19:32 30/06/2021

Hơn 100 nghìn hồ sơ điện tử đầu tiên của Bộ Công Thương được gửi ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm

Vũ Khuê

Thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo tại Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các đơn vị trong các lĩnh vực là mục tiêu hướng tới của ngành công thương trong thực hiện Chính phủ điện tử...

Cổng thông tin điện tử mới của Bộ vừa được đưa vào sử dụng nhằm hình thành nhịp cầu trực tuyến gắn bó mật thiết giữa Bộ Công Thương với người dân và doanh nghiệp.
Cổng thông tin điện tử mới của Bộ vừa được đưa vào sử dụng nhằm hình thành nhịp cầu trực tuyến gắn bó mật thiết giữa Bộ Công Thương với người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến thời điểm này, 297 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên.

KẾT NỐI CẤP CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ VỚI 9 QUỐC GIA

Cổng dịch vụ công của Bộ đang cung cấp 237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn. Trong đó, 176 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 61 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến 6 tháng đầu năm 2021 là 627.673 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

 
Bộ Công Thương đã kết nối 17 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2021 là 142.700 hồ sơ.

Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 103.664 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài.

Điều này tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Công Thương cũng trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục kết nối 3 thủ tục hành chính lên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2021 bao gồm: khai báo nhập khẩu đối với hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và cấp mã số nhà sản xuất (MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 LIÊN THÔNG VĂN BẢN QUỐC GIA

Không chỉ vậy, hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương (hệ thống iMOIT) được triển khai đồng bộ, toàn diện tại 30/30 đơn vị trực thuộc Bộ từ ngày 1/1/2016. Đến nay, iMOIT đã trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các cán bộ, công chức tại các đơn vị.

Đáng ghi nhận, hệ thống iMOIT đã nâng cấp, hoàn thiện các chức năng nhằm đáp ứng theo các yêu cầu kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia.

 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, có 27.358 văn bản gửi đến tại văn thư Bộ; 7.517 văn bản gửi đi tại văn thư Bộ; tổng số văn bản đi trên Trục liên thông quốc gia là 4.059.

“Tất cả các nhiệm vụ trên, Bộ Công Thương đều thực hiện trước thời hạn quy định trong Quyết định 28. Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận Bộ Công Thương là một trong số ít các đơn vị đứng đầu về việc triển khai Quyết định này”, Bộ Công Thương khẳng định.

Ngoài ra, Bộ này cũng đã ban hành Kiến trúc chính phủ điện tử Bộ Công Thương phiên bản 1 (version 1) tại Quyết định số 4849/QĐ-BCT ngày 28/12/2017 trên cơ sở khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.

Trong tháng 5 năm 2021, hệ thống phòng họp không giấy tờ eCabinet của Bộ Công Thương cũng đã được triển khai và sẽ đưa vào hoạt động chính thức trong nửa cuối năm 2021.

Việc xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ cũng được thực hiện. Đến nay, Bộ Công Thương đã kết nối thành công “Báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện đối với đập có chiều cao từ 5m trở lên hoặc hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 50.000m3 trở lên gửi Thủ tướng Chính phủ” với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Đồng thời, kết nối Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến cuối tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 131 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Từ ngày 01/01/2021 đến nay, cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi 618.411 bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bộ này cũng đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam để triển khai thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo (AI assistant - AIA). Hệ thống AIA nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, xử lý, giải quyết công việc của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ trong các lĩnh vực. Dự kiến, đến 15/7, hệ thống sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm.