08:56 10/11/2022

Hơn 90% doanh nghiệp Việt xem nhân viên là tài sản giá trị nhất khi chuyển đổi số

Hồng Vinh

72% nhân viên cần hạ tầng thiết yếu để làm việc linh hoạt, phù hợp từng cá nhân và hơn 90% doanh nghiệp xem con người là tài sản giá trị nhất cho chuyển đổi số…

Amit Midha, Chủ tịch Nhóm giải pháp thành phố số Dell Technologies khu vực APJ
Amit Midha, Chủ tịch Nhóm giải pháp thành phố số Dell Technologies khu vực APJ

Theo khảo sát mới nhất của Dell Technologies gần đây, khoảng 50% các lãnh đạo công nghệ thông tin (IT) tại Việt Nam cho rằng doanh nghiệp hiểu rõ hệ quả của việc chuyển đổi số quá nhanh nhưng nhiều nhân viên đang đối mặt với thử thách thích nghi và bắt kịp với những thay đổi.

CON NGƯỜI VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THOA

Có đến 43% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam tin rằng doanh nghiệp của họ đã đánh giá chưa đúng tầm quan trọng của con người khi lên kế hoạch các chương trình chuyển đổi số.

 
"Chỉ riêng công nghệ là không đủ. Các doanh nghiệp cũng cần phải tạo ra môi trường làm việc bình đẳng cho tất cả mọi người với nhu cầu, sở thích và trách nhiệm khác nhau.”
Ông Amit Midha, Chủ tịch Nhóm giải pháp thành phố số Dell Technologies khu vực APJ.

Ngoài ra, sau hai năm tăng tốc chuyển đổi số, các lãnh đạo doanh nghiệp đang chú ý hơn đến tầm quan trọng của nhân viên. Cụ thể, tại Việt Nam, 94% các lãnh đạo doanh nghiệp xem con người là tài sản quan trọng nhất và 72% nhân viên mong muốn được cung cấp đủ các công cụ và hạ tầng cần thiết để có thể làm việc linh hoạt, phù hợp với từng cá nhân. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) lần lượt là 90% và 77%.

Bên cạnh đó, hơn 53% người tham gia khảo sát tại Việt Nam lo ngại sẽ tụt hậu trong thế giới kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh do thiếu người có đủ thẩm quyền hoặc tầm nhìn để tận dụng cơ hội. Đây cũng chính là lý do mô hình as-a-Service (như một dịch vụ) trở thành lựa chọn có lợi cho nhiều doanh nghiệp (tỷ lệ này khu vực APJ là 62%).

Ông Amit Midha, Chủ tịch Nhóm giải pháp thành phố số Dell Technologies khu vực APJ, chia sẻ: Việc chuyển đổi số bền vững chỉ xảy ra khi con người và công nghệ giao thoa với nhau. Để đạt được một bước tiến hiệu quả, các doanh nghiệp nên cân nhắc cách tiếp cận ba hướng.

Đầu tiên, cung cấp cho nhân viên trải nghiệm làm việc bảo mật và đồng nhất, ở bất kỳ nơi nào họ làm việc, chứ không phải chỉ ở văn phòng. Thứ hai, hỗ trợ thúc đẩy năng suất làm việc bằng cách tăng cường khả năng với những công cụ công nghệ giúp họ làm việc hiệu quả nhất. Cuối cùng, truyền cảm hứng cho nhân viên qua văn hóa đồng cảm và phong cách lãnh đạo.

“Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần phải phân tích và xem xét trước khi bắt đầu dự án chuyển đổi số mới nhằm đảm bảo người lao động được hỗ trợ đầy đủ và hiểu rõ giai đoạn triển khai tiếp theo. Chỉ riêng công nghệ là không đủ. Các doanh nghiệp cũng cần phải tạo ra môi trường làm việc bình đẳng cho tất cả mọi người với nhu cầu, sở thích và trách nhiệm khác nhau”, ông Amit Midha nói.

QUẢN LÝ DỮ LIỆU LINH HOẠT, AN TOÀN

Khảo sát của Accenture, 79% doanh nghiệp đồng ý rằng không nắm bắt được dữ liệu lớn có thể mất lợi thế cạnh tranh và thậm chí dẫn đến phá sản. Bằng cách chuyển sang đám mây, doanh nghiệp có thể khai thác những thông tin có giá trị và đưa ra các quyết định kịp thời mà không cần đầu tư quá nhiều cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Thachawan Chinchanakarn, Đại diện Synology chia sẻ với truyền thông chiều 9/11/2022 tại TP.HCM
Bà Thachawan Chinchanakarn, Đại diện Synology chia sẻ với truyền thông chiều 9/11/2022 tại TP.HCM

Tại buổi ra mắt loạt giải pháp mới của Synology chiều 9/11, bà Thachawan Chinchanakarn, đại diện Synology, cho rằng các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nhờ việc khai thác ưu thế của kiến trúc đám mây lai mạnh mẽ, linh hoạt kết hợp cùng hệ sinh thái mở rộng.

 
“Xu hướng máy chủ lưu trữ thế hệ mới trong tương lai sẽ dễ dàng mở rộng quy mô (scale-out), bảo vệ dữ liệu và làm việc môi trường linh hoạt. Từ đó, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho độ tin cậy, tính bảo mật và khả năng mở rộng.”
Bà Thachawan Chinchanakarn 

“Xu hướng máy chủ lưu trữ thế hệ mới trong tương lai sẽ dễ dàng mở rộng quy mô (scale-out), bảo vệ dữ liệu và làm việc môi trường linh hoạt. Từ đó, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho độ tin cậy, tính bảo mật và khả năng mở rộng”, bà Thachawan Chinchanakarn nói.

Về bảo vệ dữ liệu, chẳng hạn dịch vụ đám mây kết hợp có thể ứng dụng Active Insight đang được phát triển để tự động ngăn chặn các hoạt động vi phạm quy tắc bảo vệ dữ liệu của người dùng. Tính năng ngăn ngừa mất cắp dữ liệu sẽ giám sát các hoạt động người dùng như đăng nhập, truy cập tập tin, tạo tác vụ chia sẻ, đồng thời so sánh tổng dung lượng các tập tin tải lên hoặc chia sẻ. Khi kích hoạt các ngưỡng hoặc quy tắc, hệ thống có thể gửi cảnh báo hoặc thực hiện các tác vụ, chẳng hạn như ngắt kết nối các máy khách bị nghi ngờ nhiễm ransomware.

Ngoài ra, nền tảng Synology C2 Identity đang được phát triển và sẽ ra mắt năm 2023. C2 Identity sẽ có thêm một số cải tiến để cho phép đăng nhập mà không cần mật khẩu vào các dịch vụ và thiết bị trực tuyến lẫn cục bộ. Giải pháp có thể tích hợp với Windows Hello và Face ID/Touch ID của Apple, tạo điều kiện xác thực dễ dàng trên các điểm cuối do C2 Identity quản lý.

Trong năm 2023, Synology sẽ cho ra mắt hệ điều hành DSM 7.2 mã hóa toàn bộ dữ liệu; Giải pháp đám mây riêng Synology Drive; Nền tảng quản lý sao lưu Active Backup và C2 Backup; Camera IP Synology 500;…