15:42 11/06/2019

Hồng Kông lại sắp rầm rộ biểu tình phản đối dự luật dẫn độ

An Huy

Giới phân tích cho rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi đang đẩy Hồng Kông vào một cuộc khủng hoảng chính trị

Cảnh sát Hồng Kông làm nhiệm vụ bên ngoài trụ sở nghị viện ngày 11/6 - Ảnh: Reuters.
Cảnh sát Hồng Kông làm nhiệm vụ bên ngoài trụ sở nghị viện ngày 11/6 - Ảnh: Reuters.

Người Hồng Kông đang chuẩn bị tiến hành thêm các cuộc biểu tình - bao gồm đình công, giao thông chậm, thậm chí là dã ngoại - để phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử.

Các cuộc biểu tình này rục rịch trong khi lãnh đạo Hồng Kông tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật, bất chấp đợt biểu tình với sự tham gia của hàng triệu người vào cuối tuần vừa rồi.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam tỏ rõ quan điểm không nhượng bộ cho dù biểu tình quy mô lớn có thể sẽ quay trở lại Hồng Kông trong vài ngày tới. Bà cảnh báo các nhà tổ chức biểu tình không nên đẩy mọi chuyện đi xa hơn.

"Tôi kêu gọi các trường học, các bậc phụ huynh, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nghiệp đoàn cân nhắc thận trọng về việc ủng hộ những hành động cực đoan này", bà Lam phát biểu tại một cuộc họp báo ngày thứ Ba.

Theo các nhà tổ chức, số người xuống đường biểu tình ở Hồng Kông hôm Chủ nhật vừa rồi để phản đối dự luật dẫn độ lên tới trên 1 triệu người, đánh dấu một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả về cho Trung Quốc cách đây 22 năm.

Giới phân tích cho rằng dự luật dẫn độ gây tranh cãi đang đẩy Hồng Kông vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Theo dự kiến, dự luật này sẽ được đem ra thảo luận vòng thứ hai tại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện Hồng Kông, vào ngày thứ Tư. LegGo bao gồm 70 thành viên, trong đó đa số là các nghị sỹ thân Trung Quốc đại lục.

Trong một động thái hiếm gặp, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn ở Hồng Kông đã lên tiếng cảnh báo rằng việc thông qua dự luật dẫn độ có thể xói mòn niềm tin của nhà đầu tư vào Hồng Kông và làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của thành phố này.

Sự độc lập về luật pháp của Hồng Kông với Trung Quốc đại lục cho tới nay vẫn được xem là một trong những yếu tố giúp Hồng Kông giữ được vị thế trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và thế giới. Những người phản đối dự luật dẫn độ cho rằng việc thông qua dự luật này là vi phạm hệ thống "một quốc gia, hai chế độ" duy trì từ năm 1997 khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc.

Một bức thư ngỏ đăng trên mạng Internet đã kêu gọi 50.000 người tập trung quanh trụ sở LegCo để biểu tình vào lúc 10h tối ngày thứ Ba và duy trì sang ngày thứ Tư - ngày mà dự luật dẫn độ được tranh luận. Ngày thứ Tư cũng sẽ là ngày mà biểu tình rầm rộ có thể diễn ra trên khắp Hồng Kông để phản đối dự luật và kêu gọi bà Lam từ chức.

Gần 2.000 cửa hiệu nhỏ, gồm nhà hàng, tiệm tạp hóa, hiệu sách và quán cà phê đã công bố kế hoạch đình công - theo kết quả mọt cuộc khảo sát trực tuyến. Nhiều trường học, khách sạn, công ty luật và nhân viên phúc lợi xã hội cùng gần 4.000 giáo viên tuyên bố cũng sẽ đình công và xuống đường biểu tình vào ngày thứ Tư.

Hội sinh viên và giáo viên các trường đại học Hồng Kông cũng kêu gọi đình công. Một tổ chức công đoàn của tài xe bus Hồng Kông kêu gọi các thành viên lái xe với tốc độ 20-25 km/h để phản đối dự luật dẫn độ. Một bài viết trên Facebook kêu gọi người dân tổ chức dã ngoại (picnic) gần trụ sở chính quyền thành phố vào ngày thứ Tư, thu hút được gần 10.000 phản hồi từ những người hứa tham gia.

"Sự toàn vẹn và độc lập của hệ thống luật pháp của Hồng Kông chắc chắn là trung tâm trong tương lai của Hồng Kông", ông Fred Hu, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch công ty đầu tư cổ phần tư nhân Primavera Capital Group, nhận định. "Bất kỳ một sai lầm nào cũng sẽ dẫn tới việc phải trả giá rất đắt, xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu và làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của Hồng Kông".

Trong một bài viết đăng lên trang Facebook của bà Lam, nhà đầu tư David Webb kêu gọi vị trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông đưa dự luật gây tranh cãi trở lại Ủy ban Cải cách luật pháp để nghiên cứu thêm.

"Nếu bà cứ cố để LegCo thông qua dự luật này, thì bà có thể đạt mục đích, nhưng tổn thất sẽ là rất lớn đối với vị thế quốc tế của Hồng Kông", ông Webb cảnh báo.