09:55 30/06/2008

“Hướng tới môi trường kinh doanh không hối lộ”

Công Lý

Ý kiến của nhiều quan chức Chính phủ và đại diện quốc tế về những giải pháp chống tham nhũng thông qua cải cách hành chính

"Nhiều doanh nghiệp thường xem những khoản chi phí không chính thức là một phần chi trong hoạt động kinh doanh. Phần chi phí không chính thức này chính là phần hối lộ cán bộ, công chức để doanh nghiệp có được những hợp đồng, những lợi thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp khác."
"Nhiều doanh nghiệp thường xem những khoản chi phí không chính thức là một phần chi trong hoạt động kinh doanh. Phần chi phí không chính thức này chính là phần hối lộ cán bộ, công chức để doanh nghiệp có được những hợp đồng, những lợi thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp khác."
Đại diện các cơ quan chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới họp tại Hà Nội với chủ đề “Chống tham nhũng và cải cách hành chính”.

Các đại biểu đã đem đến hội thảo nhiều ý kiến xung quanh công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính từ kinh nghiệm của các nền kinh tế khác nhau, trong đó cải cách hành chính ở khu vực tư được các đại biểu quan tâm.

Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến đáng chú ý của các đại biểu xung quanh vấn đề này.

“Tham nhũng là một ẩn số

(Ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra Chính phủ)

“Tôi rất tâm đắc với khẩu hiệu “Văn hoá không hối lộ” trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây sẽ là mục tiêu phấn đấu cho công cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực tư mà chúng tôi muốn xây dựng ở Việt Nam.

Ngoài việc sẽ áp dụng bộ quy tắc xử sự chung cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế APEC, phía Việt Nam sẽ có những quy tắc riêng cho mình.

Chúng ta cần có một thống kê đầy đủ xem việc các vụ án tham nhũng, trong đó phần lớn liên quan đến doanh nghiệp tăng lên trong thời gian vừa qua là do tình hình tham nhũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, hay do lâu nay chúng ta không phát hiện ra. Tuy nhiên, nhìn vào mặt nào đó thì việc phát hiện ra nhiều vụ án tham nhũng là điều tích cực, điều đó chứng tỏ chúng ta đã đủ mạnh để đấu tranh với loại tội phạm này...

Tham nhũng là một ẩn số, hầu hết các vấn đề mà cơ quan thanh tra phát hiện ra đều có yếu tố tham nhũng, nguyên nhân chủ yếu là quyết sách của Nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là những quyết sách liên quan đến khu vực tư.

Nhiều doanh nghiệp thường xem những khoản chi phí không chính thức là một phần chi trong hoạt động kinh doanh. Phần chi phí không chính thức này chính là phần hối lộ cán bộ, công chức để doanh nghiệp có được những hợp đồng, những lợi thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp cán bộ, công chức là người ra quyết sách liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp muốn nhận hối lộ nhưng doanh nghiệp không đưa thì họ cũng chẳng thể làm gì được, và cũng không thể làm trái luật để gây thiệt hại cho doanh nghiệp...

Ngược lại, nếu doanh nghiệp muốn đưa hối lộ để được “đi tắt” trong xử lý thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình nhưng cán bộ, công chức không nhận thì doanh nghiệp sẽ không dám đưa hối lộ tiếp lần thứ hai.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này là cả một quá trình vì quan hệ giữa cán bộ, công chức và doanh nghiệp ở đây mang tính “đồng cảm”, khó giám sát, khó giải quyết.”

“Nền hành chính lấy mục tiêu “phục vụ” làm trọng”


(Ông Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ)

“Việc tạo lập một nền quản trị công hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch công khai với đội ngũ công chức tận tụy, liêm chính sẽ là nền tảng vững chắc nhất bảo đảm cho sự thành công của cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Bộ máy hành chính phải luôn lấy “chấp hành” và “phục vụ” làm mục tiêu trong mọi hoạt động của mình. “Phục vụ” ở đây là phục vụ người dân, doanh nghiệp... xem họ là những khách hàng để phục vụ thật tốt.

Một nền hành chính lành mạnh phải được thể hiện qua các yếu tố “công”: công ích trong mục tiêu, công khai minh bạch trong phương thức hoạt động và được thực hiện bởi đội ngũ công chức công tâm, tận tụy trong quá trình phục vụ. Một nền hành chính như vậy có thể được ví như một môi trường lành mạnh, có sức đề kháng cao đủ để chống lại nạn tham nhũng. Môi trường lành mạnh ở đây cũng sẽ là một môi trường lí tưởng cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tác nhân chính trong sự phát triển của nền kinh tế.

Môi trường kinh doanh chịu ảnh hưởng nhiều vào nền hành chính của mỗi nền kinh tế, nền hành chính mà không hoạt động hiệu quả thì sẽ phát sinh ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Để cải thiện môi trường kinh doanh phải cải cách nền hành chính, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chống tham nhũng.”

“Tham nhũng nảy sinh do quản lý không chặt chẽ”


(Ông Nguyễn Hoà Bình, Phó vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ)


“Tham nhũng có hành vi, thủ đoạn và phương thức thực hiện đa dạng, khó phát hiện và có bắt nguồn từ khâu quản lý không chặt chẽ của bộ máy Nhà nước.

Hiện nay chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đang còn vấp phải sự trùng lắp, chồng chéo về thẩm quyền. Trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan Nhà nước đôi khi còn chưa phân định rõ ràng dẫn đến những lúng túng cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận và hệ quả là sự chậm trễ trong điều hành, dễ xảy ra tiêu cực.

Khi một doanh nghiệp phải tiếp cận với những hệ thống thủ tục hành chính này, họ chỉ còn cách đưa hối lộ để được giải quyết nhanh gọn.”

“Singapore xây dựng chất lượng quốc tế cho dịch vụ công”


(Ông Tin Yeow Cheng, Trưởng bộ phận điều tra, Cơ quan điều tra các hành vi tham nhũng Singapore)


“Theo tôi, tính hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước phải được đặt lên hàng đầu, khi mà bộ máy hành chính vận hành trôi chảy thì sẽ không còn cơ hội cho tham nhũng. Ngược lại, nếu quá trình hành chính dài lê thê phức tạp sẽ tạo thành khoảng trống cho tham nhũng nảy sinh.

Trong nhiều năm qua Chính phủ Singapore đã nỗ lực nhiều trong công cuộc cải cách hành chính. Một trong những hoạt động đó là tập trung vào quá trình kiểm toán, kế toán ngân sách và hoạt động của doanh nghiệp.

Chúng tôi xây dựng một chất lượng quốc tế cho hoạt động dịch vụ công, chủ yếu tập trung vào việc đón tiếp, lắng nghe yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để phản hồi nhanh chóng chính xác. Ngoài ra cán bộ, công chức khi thực hiện dịch vụ công phải đáp ứng yêu cầu đã đặt ra sao cho thái độ phục vụ dịch vụ công được tốt nhất.

Mục tiêu của dịch vụ công là trao quyền cho công chức và họ tự chịu trách nhiệm về sự phục vụ người dân, doanh nghiệp của mình. Chúng tôi có cơ chế cho phép công chức thường xuyên được cải thiện năng lực của mình, tạo nguồn cho sự thay đổi, đẩy mạnh hình thức làm việc theo nhóm trong các hoạt động hành chính để người ở vị trí cao nhất cũng có thể lắng nghe được người ở vị trí thấp nhất.

Công chức phải có được tinh thần kinh doanh trong bộ máy hành chính công, trong hoạt động dịch vụ hành chính công. Để làm tốt điều này mỗi năm công chức phải được đào tạo 100 giờ về phục vụ dịch vụ công.

Mục tiêu hướng tới của dịch vụ công là phải làm hài lòng khách hàng, khách hàng ở đây là người dân và doanh nghiệp trong đó mỗi công chức đều phải hiểu, nắm chính sách vững vàng, thỏa mãn được tiêu chí, mong đợi của người dân. Ngoài ra còn phải có trách nhiệm phản hồi cao, công chức phải nghe được ý kiến người dân, doanh nghiệp và phải giải quyết một cách nhanh chóng.

Ngược lại, nếu cán bộ, công chức nào vi phạm quy định, không hoàn thành trách nhiệm đều bị xử phạt nghiêm minh, thích đáng và cũng được thực hiện một cách công khai, để tạo niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ.

Hiện chúng tôi đang xây dựng mô hình dịch vụ chính phủ điện tử. Khi người dân muốn xin cấp hộ chiếu, nộp thuế, xin mã số thuế, xin giấy phép lái xe có thể gửi đơn theo đường truyền internet. Xây dựng cổng công dân điện tử để có thể tiếp cận các công dân ngay tại nhà họ. Mọi công dân được phục vụ các dịch vụ công hay tố cáo các hành vi tham nhũng qua đường truyền internet ngay tại nhà mình nhưng chính phủ vẫn quản lý được đơn thư đến từ đâu và có tính bảo mật cao.

Ở Singapore, nếu tổ chức, cơ quan hành chính nào nhận được đơn khiếu nại của người dân thì phải giải quyết ngay. Và bất cứ vụ việc nào đều phải giải thích rõ ràng cho người dân biết tại sao lại làm như vậy, lắng nghe ý kiến người dân và tạo mạng lưới phản hồi qua lại.

Bên cạnh cổng công dân điện tử là cổng doanh nghiệp điện tử, người dân có thể được cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp trực tuyến ngay trên đường truyền internet, thời gian đăng ký khoảng 8 ngày. Công cụ mua sắm điện tử trên Internet, xây dựng chương trình đấu thầu mua sắm của chính phủ mang tính mở mà mọi người có thể tham gia. Chính phủ đưa những dự án của mình lên và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ mời thầu trực tuyến sau đó danh sách được công khai trên internet và chấm điểm công khai.

Với cổng doanh nghiệp điện tử chúng tôi đã tiết kiệm cho doanh nghiệp trong nước khá nhiều chi phí phụ do việc đi lại và vấn đề đưa hối lộ đã hoàn toàn bị loại bỏ. Chúng tôi còn xây dựng các trung tâm mua sắm của chính phủ trực tuyến để nhằm bình ổn giá thị trường và minh bạch mua sắm công cho mọi người dân.”

“Cần đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán”


(ThS. Lê Văn Lân, Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp - Quan hệ quốc tế, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng)

“Sự yếu kém của nền hành chính Nhà nước không chỉ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tham nhũng mà còn gây khó khăn trở ngại cho việc phát hiện và xử lí các hành vi tham nhũng.

Khi những quy định về quản lý tài chính, tài sản công, về quản lý đất đai thiếu rõ ràng, cụ thể sẽ dẫn đến trong quá trình thực hiện rất khó phân biệt đúng sai và khó nhận ra hành vi lợi dụng sơ hở, mập mờ của những quy định đó để tham nhũng. Hoạt động giám sát cũng vì vậy mà khó khăn.

Tại Việt Nam hiện nay, ngay cả các thủ tục trình báo về hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng còn phức tạp, chưa thuận tiện nên chưa khuyến khích được người dân tố cáo tội phạm tham nhũng. Như vậy cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng chống tham nhũng.

Đó là nền hành chính nói chung, còn trong lĩnh vực tư, theo tôi, cần đổi mới về công nghệ quản lý và phương thức thanh toán hiện nay để kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sát hơn.”