Huỳnh đàn, gỗ quý lên ngôi
"Cơn sốt" săn tìm gỗ huỳnh đàn ngấm ngầm đã mấy năm nay trở nên mãnh liệt
Nghề "răng vàng bạc vụn" tưởng đã vĩnh viễn đi qua vì nguồn cung đã hết. Nhưng tại các tỉnh miền Trung, giờ đây nó lại bùng trở lại khi nhiều người đi lùng mua những món đồ gỗ đã dùng lâu năm.
Vợ chồng anh Tâm (phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) ngày càng ngạc nhiên khi bộ bàn ghế cũ trong nhà được nhiều người đến gạ mua. Bộ này khi mẹ anh cho để "hồi môn", cô vợ không muốn nhận vì nó đóng theo kiểu khá quê mùa, nhiều lớp véc ni lâu ngày làm mặt gỗ xỉn màu. Nhiều người đến hỏi xem, sau khi dùng dao bén nạo vào đáy bàn đã trả 2 triệu đồng, rồi lên 3 - 4 triệu đồng...
Đôi vợ chồng mừng rơn nhưng vẫn không bán. Hỏi cha mẹ, người thân, không ai biết vì sao nó trở nên đắt giá như vậy. Cuối cùng, một người quen từng đi tứ xứ mới nói rằng nó có thể được đóng bằng loại gỗ huỳnh đàn, tức cây trắc thối hay huê vàng.
Là một loại gỗ quý
Cây huỳnh đàn có tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu, rễ có nốt sần như cây họ đậu, thân nhẹ nhưng chắc, quyện chứa nguồn tinh dầu thơm như một loại trầm hương nên không có loài mối mọt nào đục khoét được.
Miền Trung và Tây Nguyên, rải rác vẫn có những vùng huỳnh đàn mọc tập trung nơi khe nguồn heo hút. Người dân ở một số miệt rừng từ Khánh Hòa đến Quảng Nam, Quảng Bình hay cao nguyên Gia Lai, Kon Tum vẫn cho rằng chỉ quê mình mới có cây huỳnh đàn tốt.
Một mét khối gỗ huỳnh đàn xưa kia có giá chỉ một cây vàng, rẻ hơn giáng hương nhưng bộ phản dày 10 phân, dài 2,2 m, ngang 1,6 m của một gia đình trong hợp tác xã kinh doanh Vạn Lương 2 đã có người đến trả tròn 300 triệu đồng nhưng vẫn không bán.
Người dân Vạn Ninh không nói đây là gỗ của các vị thần, mà cho rằng đó là gỗ của các thần linh. Bởi lẽ những chồi gốc, rễ cổ thụ khi đào lên, người ta đẽo thành những viên tràng hạt. Cầm sợi dây chuỗi, lần từng hạt niệm thần, hương linh đất đá, cỏ cây muôn đời như đang phảng phất.
Nhưng vì sao gỗ huỳnh đàn bỗng đắt giá như vậy? Các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa tổng kết được, ngoài việc thông tin nó có hàm lượng dầu (không nhiều hàm lượng và chức năng phổ cập như tinh dầu trầm hương).
Người xưa chỉ nói rằng càng để lâu nó càng có hương thơm. Đóng làm giường phản, hương gỗ thấm vào thịt da. Có thể do vậy mà người xưa đã dùng gỗ huỳnh đàn để đóng quan tài cao cấp. Người ta nói rằng người chết nằm trong các áo quan này, thịt da hàng chục năm vẫn không rữa nát (?!).
Thảo nào một kg rễ, dăm vụn huỳnh đàn ở miền rừng núi giá chỉ 100.000 đồng/kg, về tới các đô thị như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang... đã lên tới 500.000 đồng. Còn những bàn ghế cũ, ngày xưa đóng bằng gỗ huỳnh đàn, giờ có giá tới 1,5 triệu đồng/kg. Gỗ bán theo từng kilôgam - chuyện đời có lẽ đến nay mới có!
"Cơn sốt" săn tìm gỗ huỳnh đàn
"Cơn sốt" săn tìm gỗ huỳnh đàn ngấm ngầm đã mấy năm nay trở nên mãnh liệt, nhất là sau khi các nhà buôn mua gom cả từng miếng dăm, rẻo rễ huỳnh đàn đem bán. Vậy là ở các huyện miền núi Quảng Nam, sau khi tìm, tận diệt hết những gốc trầm hương, người ta đổ xô đi chặt cây huỳnh đàn bất kể lớn nhỏ.
Thân cưa xong rồi cả gốc rễ cũng đào lên. Cơn lốc tràn lên tới miệt rừng núi Kon Tum. Tại xã H’Ring, huyện Đắc Hà, đồng bào dân tộc đào được rễ huê vàng, người mua dạo vào trả 100.000 đ/kg đã rất mừng nên cả làng đổ xô đi kiếm cây rừng này.
Xuôi về vùng triền dốc phía Nam, huyện K’Bang của tỉnh Gia Lai nơi đầu nguồn sông Côn, sông Ba heo hút cũng có nhiều cây huỳnh đàn. Giới buôn rừng liền đưa xe kéo lên, mở đường tắt qua huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) để tránh trạm kiểm soát trên đèo An Khê.
Hàng huỳnh đàn bây giờ không cần đủ nguyên thân, nguyên mảnh mà người ta cưa ra từng lóng, từng khúc nhỏ, bỏ vào xe ngụy trang cùng phế liệu xuôi ra đường 19 về quốc lộ 1 ra Bắc.
Cuối tháng 5/2007, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát (Bình Định) bắt được xe tải mang bảng số Gia Lai 81 K 8182 chở 10 tấm gỗ huỳnh đàn cân tổng cộng 1,83 tấn và 252 khúc gỗ trắc đo được 2,6 m3. Chúng được dấu dưới lớp sắt phế liệu dày 3-4 tấc. Đây được xem là vụ bắt gỗ buôn lậu có giá trị nhất.
Cây huỳnh đàn hôm nay được khuyến cáo trồng làm cây che bóng trên các nương chè. 30.000 cây giống được người dân xã Tân Quy huyện Bắc Giang tỉnh Vĩnh Phúc đem về quảng bá, lập tức được các nhà trồng rừng ở các vùng đồi núi miền Trung, Tây Nguyên mua hết với giá 6.000 đồng/cây.
Theo giới thiệu, cây trồng 10-12 năm có đường kính 20 cm có giá từ 15-20 triệu đồng. Nếu thật vậy, mong các nhà khoa học lâm nghiệp chính thức lên tiếng để huỳnh đàn sớm trở thành cây làm giàu của người dân miệt rừng.