IMF: Không có mô hình chung nào cho tiền số do ngân hàng trung ương phát hành
Tổng giám đốc IMF cho rằng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro...
Không có một mô hình chung nào cho các đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), theo Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva - người hối thúc các nhà hoạch định chính sách cân nhắc những đánh đổi trong bối cảnh sáng tạo tài chính bước vào một giai đoạn mới.
Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành có thể thúc đẩy sự bao trùm tài chính ở một số quốc gia, cũng như mang lại một sự dự phòng an toàn cho hệ thống tài chính ở một số quốc gia khác – hãng tin Bloomberg dẫn đánh giá của Georgieva. Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cảnh báo rằng thiết kế của các CBDC phải tính kỹ đến các vấn đề ổn định tài chính và bảo mật, để tránh nguy cơ bị phản đối khi đưa ra trước quốc hội.
“Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải giải quyết nhiều câu hỏi mở, trở ngại kỹ thuật, và các đánh đổi chính sách”, bà Georgieva nói ngày 9/2. “Nếu được thiết kế một cách sáng suốt, CBDC có thể mang lại thêm sự vững vàng, an toàn, bao trùm và chi phí thấp hơn so với các dạng tiền số của khu vực tư nhân như các tài sản mã hoá không có đảm bảo”.
Phát biểu trên được Tổng giám đốc IMF đưa ra khi định chế này công bố một báo cáo về tiền số được khoảng 100 quốc gia trên thế giới xem xét. Những nước đi tiên phong trong phát hành CBDC như Bahamas và Nigeria đã bắt đầu cho phép công chúng sử dụng dạng tiền số này. Trung Quốc đang mở rộng cuộc thử nghiệm CBDC đến nay đã có hơn 100 triệu người dùng.
Bà Georgieva chỉ ra một điểm chung giữa các nước phát hành CBDC là cam kết của ngân hàng trung ương về giảm thiểu ảnh hưởng của CBDC đối với hệ thống tài chính.
Các dự án CBDC mà IMF đang nghiên cứu, bao gồm của Bahamas, Trung Quốc và Liên minh Tiền tệ Đông Caribbean (ECCU), đều là những đồng tiền số không mang lãi suất. Điều này khiến các CBDC đó kém hấp dẫn hơn khi người dân dùng làm tiền tiết kiệm nếu so với các khoản tiền gửi truyền thống trong ngân hàng. Ngoài ra, các CBDC này cũng hạn chế số lượng mà một người có thể nắm giữ.
Ông Tobias Adrian, cố vấn luật pháp về tài chính thuộc bộ phận thị trường tài chính và tiền tệ của IMF, nói rằng các nước đang phát triển có thể đối mặt nguy cơ người dân sử dụng tiền kỹ thuật số của nước ngoài.
“Đôla hoá vốn đã là một thách thức của các quốc gia bị xem là thiếu ổn định”, ông Adrian nói. Bởi vậy, đôla hoá, hoặc một sự dịch chuyển sang đồng tiền của một quốc gia khác có nền kinh tế lớn hơn, “có thể diễn ra nhanh chóng hơn nhiều và trở nên nguy hiểm hơn” trong một thế giới số hoá hoàn toàn – ông Adrian nhấn mạnh.