09:18 21/07/2007

IPO: Đã đến lúc kích cầu?

Để Nhà nước thu được khoản tiền đúng với giá trị doanh nghiệp sẽ phát hành IPO, chỉ có cách là tăng cầu cho thị trường

Trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay, tiếp tục IPO với tốc độ mỗi tháng một doanh nghiệp, nguồn cung tăng vọt thì tất yếu giá cổ phiếu phải giảm, cho dù đó là cổ phiếu chất lượng cao - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay, tiếp tục IPO với tốc độ mỗi tháng một doanh nghiệp, nguồn cung tăng vọt thì tất yếu giá cổ phiếu phải giảm, cho dù đó là cổ phiếu chất lượng cao - Ảnh: Việt Tuấn.
Dư luận đang băn khoăn liệu Nhà nước có dời thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của các doanh nghiệp lớn đến một thời điểm thuận lợi hơn, thu về một khoản tiền lớn hơn, tránh thất thoát tài sản quốc gia không.

>>“Vẫn nên tiếp tục IPO”

Quan chức các bộ, ngành thì bày tỏ quan điểm cho rằng nếu IPO chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước. Liệu có giải pháp nào vừa giúp Nhà nước có được khoản thu như mong muốn, thị trường chứng khoán phát triển, vừa thúc đẩy cổ phần hóa nhanh hơn?

Không thể để gãy khúc cổ phần hóa

Đầu những năm 1990, việc cổ phần hóa doanh nghiệp đầu tiên ở miền Bắc, Xí nghiệp Sản xuất đồ mộc Hà Nội, đã gây ra những cuộc tranh luận chưa từng có cho dù sản phẩm của đơn vị này và lĩnh vực kinh doanh của nó không thuộc dạng Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối (vốn vài trăm ngàn đồng, sản xuất quan tài).

Khi ấy đích thân một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng phải xuống làm việc với xí nghiệp. Sự việc ở Xí nghiệp Sản xuất đồ mộc Hà Nội êm xuôi, Bộ Nông nghiệp bắt đầu cổ phần hóa Xí nghiệp Sản xuất thức ăn gia súc đặt ở Tp.HCM, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Việt Phong.

Thêm một doanh nghiệp thứ ba, Công ty Giày Hiệp An của Bộ Công nghiệp được chuyển đổi sở hữu. Cứ thế, mất mười năm, số doanh nghiệp cổ phần hóa đếm trên đầu ngón tay.

Cổ phần hóa chỉ thực sự khởi sắc kể từ năm 2000 khi khung pháp lý với các quy định cụ thể sau nhiều lần sửa đổi được áp dụng, khi những lấn cấn cuối cùng trong tư tưởng về chuyển đổi sở hữu được tháo gỡ. Sáu năm qua, hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước đã cởi “chiếc áo quốc doanh”, nhưng đó mới chỉ là những đơn vị nhỏ, vốn phần lớn dưới 1 tỉ đồng/công ty.

Tất cả họ mới chỉ đại diện cho 12% vốn nhà nước và trong số này Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên từ đầu năm nay, cổ phần hóa đã khác hẳn khi những doanh nghiệp như Đạm Phú Mỹ được chuyển thành công ty cổ phần.

Cổ phần hóa như dòng nước đang ngấm dần đến những doanh nghiệp nền tảng của kinh tế quốc doanh. Bảo Việt là một trong 25 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Sự thành công của công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước đang phụ thuộc vào những đợt IPO của các tập đoàn như Bảo Việt. Các doanh nghiệp này là những hạt nhân của tăng trưởng kinh tế.

Bởi thế sự trì hoãn IPO Vietcombank, BIDV, Incombank, MobiFone, Vinaphone, Tổng công ty Rượu bia Nước giải khát Hà Nội, Tp.HCM... sẽ làm gãy khúc tiến trình cổ phần hóa. Nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo ra tiền lệ cho những doanh nghiệp đi sau, mỗi khi vướng mắc, khó khăn, họ lại có thể đề nghị IPO chậm lại.

Mặt khác Việt Nam cần phải thực hiện những cam kết về cải cách doanh nghiệp nhà nước khi đàm phán gia nhập WTO. Việc thực hiện các cam kết đó đều đã có lộ trình. Sự chậm chạp trong lộ trình sẽ không giúp nâng đỡ uy tín quốc gia, không đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.

Cổ phần hóa là cái nôi để cung ứng hàng hóa cho thị trường chứng khoán. Một khi cổ phần hóa chậm lại, cũng có nghĩa là tốc độ cung hàng cho thị trường sẽ giảm bớt.

Kích cầu

Trong bối cảnh thị trường đang trầm lắng như hiện nay, tiếp tục IPO với tốc độ mỗi tháng một doanh nghiệp, nguồn cung tăng vọt thì tất yếu giá cổ phiếu phải giảm, cho dù đó là cổ phiếu chất lượng cao. Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa chính là tài sản quốc gia, và nó phải được bán với đúng giá trị thật.

Vậy để tiến trình cổ phần hóa không bị gãy khúc, để Nhà nước thu được khoản tiền đúng với giá trị doanh nghiệp sẽ phát hành IPO, chỉ có cách là tăng cầu cho thị trường.

Nguồn cung cổ phiếu cho thị trường đang ở mức khoảng 100.000 tỉ đồng, tương đương 6 tỉ đô la Mỹ (kể cả các đợt tăng vốn, chia thưởng, phát hành thêm của doanh nghiệp trên sàn). Trong số này, các quỹ đầu tư nước ngoài có khả năng hấp thụ 50%, tức 3 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng vấn đề làm thế nào để họ đổ tiền vào? Biện pháp kích cầu hiệu quả chính là tăng tỷ lệ sở hữu trong một doanh nghiệp cho họ (tăng “room”). Với những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, tỷ lệ này có thể tới 100% (tiêu chí phân loại các doanh nghiệp cũng đã có nhưng chưa áp dụng).

Việc mở room sẽ là động lực quan trọng để giao dịch trên hai sàn Hà Nội, Tp.HCM sôi động trở lại, tạo đà ngay trước thời điểm IPO Vietcombank dự kiến vào cuối tháng 8/2007. Hiện nay đa số các cổ phiếu bluechips đều đã hết room và nước ngoài muốn đầu tư thêm trên sàn cũng không được. Các công ty có mức vốn hóa thị trường dưới 200 triệu đô la Mỹ hầu như không hấp dẫn họ.

Khi mở room, chúng ta vẫn có nhiều cách kiểm soát đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, vẫn giữ vốn nhà nước ở những doanh nghiệp chủ chốt ở mức 51%, nếu nước ngoài mua tối đa cũng chỉ được 49%. Ngoài ra biện pháp áp dụng thuế lũy tiến khi rút vốn cũng cần được nghiên cứu sử dụng. Động thái mở room sẽ nhấc đi hòn đá tảng tâm lý đối với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Biện pháp kích cầu thứ hai để huy động nội lực cho thị trường chứng khoán là dãn tiến độ thực hiện Chỉ thị 03 bằng cách nâng tổng dư nợ cho vay chứng khoán lên trên mức 3%. Ở đây không đề cập đến việc bãi bỏ Chỉ thị 03, mà là dãn tiến độ thực hiện.

Điểm cần nói là thời điểm ra đời của Chỉ thị 03, chứ không phải nội dung của nó. Nếu khống chế dư nợ cho vay chứng khoán được nâng lên, thì Chỉ thị 03 lại có thể trở thành mồi câu, nhử nguồn vốn trong dân thức tỉnh. Tài sản tích trữ bằng vàng, ngoại tệ của dân sẽ chuyển thành tiền và chảy vào chứng khoán một khi thị trường sôi động.

Đầu năm chúng ta còn nói đến việc thị trường quá nóng. Giữa năm đã nói đến nguồn cung cấp tập và bây giờ là kích cầu thị trường. Liệu một sự thay đổi quá nhanh như vậy có hợp lý? Cốt lõi là sự chuyển động của thị trường dưới tác động của chính sách điều hành vĩ mô. Phản ứng từ “nóng” sang “lạnh” của thị trường là hàn thử biểu đo độ nhạy của việc điều hành. Thị trường bao giờ cũng đúng.

Nói như cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, chúng ta phải dự báo được những phát triển đột biến của thị trường để điều hành, không phải chạy theo thị trường để chữa cháy. Nếu bây giờ, cơ quan quản lý thị trường không có ngay các giải pháp kích cầu, thì không những các đợt IPO các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng, khó thành công, mà chứng khoán sẽ còn “uể oải” dài dài, cổ phần hóa đến lượt, sẽ không thể nước rút.

* Thời điểm IPO bốn ngân hàng

Theo dự kiến, ngày 10/8/2007 Vietcombank sẽ tổ chức hội nghị đầu tư tại Hà Nội và sau đó tại Tp.HCM để giới thiệu về cơ hội tham gia IPO ngân hàng này cho công chúng trước khi phát hành cổ phiếu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, Tổng giám đốc Vietcombank Vũ Viết Ngoạn cho biết.

Trong khi đó, Tổng giám đốc BIDV Trần Bắc Hà khẳng định BIDV sẽ IPO chậm nhất vào cuối tháng 12/2007. Còn Incombank cho biết họ sẽ nộp đề án cổ phần hóa lên Chính phủ vào tháng 9 và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào cuối năm, đồng thời tiến hành đại hội cổ đông, chuyển thành ngân hàng cổ phần vào quí 1/2008.

Riêng lộ trình IPO của MHB Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL vẫn không thay đổi, sẽ diễn ra trong tháng 10/2007. Ở cả bốn ngân hàng nói trên, Nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần chi phối, dự kiến từ 70% đến 51%.