08:41 20/07/2019

Iran bắt tàu chở dầu của Anh, “chảo lửa” Vùng Vịnh càng thêm nóng

An Huy

Bước leo thang căng thẳng mới nhất trên tuyến đường huyết mạch của vận tải dầu lửa quốc tế

Một bức ảnh tư liệu về con tàu chở dầu Stena Impero của Anh - Ảnh: Stena Bulk/CNBC.
Một bức ảnh tư liệu về con tàu chở dầu Stena Impero của Anh - Ảnh: Stena Bulk/CNBC.

Anh ngày 19/7 cho biết Iran đã bắt giữ hai tàu chở dầu của nước này ở Vùng Vịnh, đồng thời kêu gọi Iran trả tàu hoặc phải đối mặt với hậu quả tồi tệ. Diễn biến này đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới nhất trên tuyến đường huyết mạch của vận tải dầu lửa quốc tế.

Theo tin từ Reuters, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tuyên bố đã bắt tàu chở dầu mang tên Stena Impero. Cách đây 2 tuần, Hải quân Hoàng gia Anh bắt một con tàu chở dầu Iran ở khu vực ngoài khơi Gibraltar.

Truyền thông Iran nói rằng một con tàu chở dầu thứ hai của Anh, có tên Mesdar, không hề bị nước này bắt giữ như tuyên bố của London. Tehran nói tàu Mesdar đã được cho tiếp tục di chuyển sau khi bị lực lượng Iran cảnh báo về các vấn đề an toàn và môi trường.

Dữ liệu theo dõi tàu biển từ Refinitiv cho thấy hai tàu Stena Impero và Mesdar bất ngờ đổi hướng sau khi tiến vào Vịnh Persia qua eo biển Hormuz. Sau đó, hai con tàu di chuyển về phía Iran. Dữ liệu tiếp theo cho thấy tàu Mesdar lại chuyển hướng, đi về hướng Tây và di chuyển về Vịnh Persia.

"Những vụ bắt tàu này là không thể chấp nhận được. Tự do hàng hải phải được duy trì, mọi tàu bè phải được di chuyển tự do và an toàn trong khu vực", Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt phát biểu. Ông Hunt khẳng định sẽ có hậu quả nếu Iran không trả tàu, nhưng cho biết Anh hiện không cân nhắc có hành động quân sự.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ trao đổi với Anh về vấn đề này. Trước đó, ông Trump đã có một đợt "khẩu chiến" căng thẳng với Iran quanh việc liệu Mỹ có bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Iran ở gần eo Hormuz vào hôm thứ Năm. Ông Trump nói chiến hạm Mỹ USS Boxer đã bắn rơi thiết bị Iran, trong khi Iran nói chẳng có thiết bị nào của họ bị bắn hạ.

Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Iran leo thang, căng thẳng giữa Anh với Iran cũng nóng lên kể từ khi Anh bắt tàu chở dầu của Iran ở Gibraltar hôm 4/7 với cáo buộc tàu này vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu về cấm vận dầu lửa đối với Syria.

Iran đã nói sẽ trả đũa việc Anh bắt tàu chở dầu của nước này. Tuần trước, tàu Iran đã tìm cách chặn một tàu chở dầu Anh di chuyển qua Hormuz, nhưng đã phải rút lui khi đối mặt với một tàu hải quân Anh hộ tống tàu chở dầu.

Những vụ va chạm liên tiếp xảy ra gần đây ở eo Hormuz đang đặt khu vực này vào tình thế mong manh.

Từ tháng 6 đến nay đã có một loạt vụ tấn công và bắt tàu chở dầu, bắn hạ thiết bị bay ở eo biển này. Tháng trước, ông Trump đã quyết định không kích Iran để trả đũa việc lực lượng Iran bắt rơi một thiết bị bay của Mỹ, nhưng hủy quyết định vào phút chót.

Mối quan hệ Mỹ-Iran ngày càng xấu đi kể từ khi ông Trump vào năm ngoái rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Mỹ đã tái áp trừng phạt lên Iran nhằm buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân khác. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đặt mục tiêu siết xuất khẩu dầu của Iran về 0, nhưng Tehran tuyên bố vẫn sẽ xuất khẩu dầu bằng mọi giá vì đây là "nguồn sống" của Iran.

Trước sức ép của Mỹ, Iran gần đây liên tục tuyên bố có những động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân, trong khi các nước châu Âu trong thỏa thuận loay hoay chưa tìm ra cách để tránh việc thỏa thuận rơi vào đổ vỡ.