12:30 04/10/2012

Iran quay cuồng trong cơn bão trừng phạt

Hoài An

Hôm 3/10, bạo loạn đã xảy ra ở trung tâm thủ đô Tehran của Iran, sau khi đồng Rial của nước này rớt giá nghiêm trọng

Việc đồng Rial suy yếu đã khiến các công ty Iran gặp khó khăn trong việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài.
Việc đồng Rial suy yếu đã khiến các công ty Iran gặp khó khăn trong việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài.
Các nguồn tin từ Mỹ cho hay, sáng 3/10, bạo loạn đã xảy ra ở trung tâm thủ đô Tehran của Iran, sau khi đồng Rial của nước này rớt giá nghiêm trọng, tới 17% so với USD và các ngoại tệ có khả năng chuyển đổi khác.

Theo tỷ giá quy đổi ngày 3/10, một USD mua được 39.000 Rial. Trước đó một ngày, tỷ giá quy đổi là 34.500 Rial/ USD và ở mức 24.000 Rial/ USD khoảng một tuần trước. Việc đồng Rial suy yếu đã khiến các công ty Iran gặp khó khăn trong việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài.

Các nguồn tin tại chỗ cho biết, vụ bạo loạn bùng phát khi nhà chức trách Iran huy động một lượng lớn nhân viên cảnh sát đóng cửa hàng loạt điểm thu đổi ngoại tệ và bắt giữ những người dân mua bán trái phép ngoại tệ. Phản ứng lại, người dân đã dùng gạch đá ném vào xe của cảnh sát.

“Rất đông cảnh sát đã lùng sục và bắt bớ người dân khi họ tìm cách mua ngoại tệ, hoạt động bị coi là trái phép”, một nguồn tin cho biết. Trước tình trạng hỗn loạn đó, khu chợ ở trung tâm thành phố, được coi là điểm buôn bán sầm uất nhất Tehran, đã phải đóng cửa vì sợ bị ảnh hưởng.

Nguồn trên cũng cho biết báo giới nước ngoài bị ngăn cấm tuyệt đối, không cho tiếp cận để đưa tin về vụ việc trên và hiện cũng chưa có thông tin từ báo chí sở tại về vụ này.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn tiếp tục bác bỏ những lời chỉ trích của người dân về việc đồng Rial bị mất giá. Theo ông, các chính sách hiện nay của chính phủ không liên quan gì tới tình trạng này, mà đây là áp lực tâm lý do những "kẻ thù" của Iran gây ra.

Hôm 2/10, ông Ahmadinejac đã thừa nhận sự suy giảm mạnh của đồng tiền nước này có liên quan tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Iran lên tiếng thừa nhận tác động lớn của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Iran.

Tình hình kinh tế của Iran đã trở nên đặc biệt trầm trọng trong vài tháng gần đây, khi lệnh trừng phạt mới nhất của EU và Mỹ với Tehran có hiệu lực vào tháng 7. Kết quả là, giá thịt gà, sữa, pho mát, bánh mỳ, đường và sữa chua cũng như các mặt hàng chủ lực khác tăng giá mỗi ngày.

Tổng thống Ahmadinejad nhấn mạnh rằng, “kẻ thù” đang nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ của nước này để gia tăng thêm sức ép đối với Tehran. Thực tế, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm buộc Iran phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, phát ngôn viên Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết “80%” các vấn đề kinh tế liên quan tới việc chính phủ lãnh đạo không đúng cách và phần còn lại là do các cấm vận. Tổng thống Iran cho biết “phát ngôn viên nên giúp chính phủ khắc phục vấn đề thay vì buộc tội cách quản lý”.

Cũng trong phát biểu hôm 2/10, Tổng thống Ahmadinejad tái khẳng định sẽ không lùi bước trong chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định không người dân Iran nào muốn bỏ quyền phát triển hạt nhân của nước mình và Iran không bao giờ khuất phục trước sức ép bên ngoài.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ông Mansour Haqiqatpour, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Iran tuyên bố rằng, nếu các cuộc đàm phán với các nước lớn về chương trình hạt nhân thất bại, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ làm giàu uranium tới mức 60%.