12:31 28/05/2012

Kê khai tài sản: “Lý gì phải đóng dấu mật?”

Nguyên Thảo

Việc kê khai tài sản của các đại biểu dân cử vẫn thiếu một cơ chế giám sát hữu hiệu

Việc kê khai tài sản của các đại biểu dân cử vẫn thiếu một cơ chế giám sát hữu hiệu.
Việc kê khai tài sản của các đại biểu dân cử vẫn thiếu một cơ chế giám sát hữu hiệu.
Không phải vô cớ mà sau việc bãi nhiệm một vị đại biểu Quốc hội cuối tuần qua vì một trong những lý do là "không trung thực", một số vị đại biểu khác đã đặt câu hỏi, liệu trong số 499 vị còn lại, có ai không trung thực nữa mà chưa bị phát hiện hay không? Bởi, đơn giản, việc kê khai tài sản của các đại biểu dân cử vẫn thiếu một cơ chế giám sát hữu hiệu.

Kê khai tài sản, câu chuyện này bên hành lang Quốc hội càng trở nên thời sự hơn, khi những ngày qua thông tin về "tư dinh tiền tỷ" liên quan đến  gia đình ông Bùi Thanh Quyến - một trong 499 vị đại biểu của Quốc hội đương nhiệm - đang được dư luận chú ý.

Chắc chắn là không bình thường! Cùng với nhận xét này, một vị đại biểu đã có "thâm niên" gần ba khóa Quốc hội nói với VnEconomy rằng, lỗ hổng lớn nhất ở quy trình quản lý xã hội Việt Nam là quản lý tài sản. "Tài sản là thước đo từ năng lực cho đến tư cách đến tính cách của con người mà ta không kiểm soát được, trong khi ở xã hội hiện đại tất cả vấn nạn nằm ở thước đo này", vị này nói.

Ông cũng cho biết, bản thân đã từng tiếp cận nhiều bản khai về tài sản và thấy, “không có lý do gì để các bản này phải đóng dấu mật”. "Muốn bảo vệ tốt nhất là công khai, mình đàng hoàng thì sợ gì", ông quả quyết.

Ở khía cạnh pháp lý và cả tâm lý xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, theo quy định hiện hành, tất cả đại biểu khi ứng cử đều phải kê khai tài sản, nhưng chỉ có các vị ứng cử vào các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn thì trong tập hồ sơ gửi đến đại biểu mới có bản kê khai tài sản mà thôi.

Còn việc công khai tài sản với công luận và nhân dân, theo ông Thảo thì luật quy định chưa rõ. "Ở Quốc hội Na Uy và một số nước, đến tòa nhà Quốc hội muốn tìm thông tin tài sản của vị nào cứ gõ tên vào máy tính ở đó là có thể xem toàn bộ. Việt Nam cũng nên như thế", ông Thảo thể hiện quan điểm.

Đảm bảo công khai minh bạch, theo Viện trưởng Thảo là nên minh bạch tất cả cho dân biết. Ví dụ, tôi khai cái nhà ở địa chỉ đó, bất kỳ ai đến xem nếu thấy nó không bình thường thì đặt vấn đề tài sản này do đâu mà có, và anh phải có trách nhiệm chứng minh.

Ở một số nước, nếu ra ứng cử anh phải có năng lực về tài chính, kinh tế, nó như một dạng "đặt cược" để anh phải có trách nhiệm. Còn nếu anh không có tài sản là kém, vì cử tri sẽ cho rằng anh lo cho mình, nhà mình còn chưa xong còn lo cho ai được.

Riêng với thông tin về liên quan đến tài sản của gia đình vị đại biểu quan chức địa phương nói trên, ông Thảo cho rằng khi có thông tin tương tự như vậy về bất cứ đại biểu nào có thể cần đến sự vào cuộc của các bộ liên quan và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu có dấu hiệu phạm pháp thì sẽ đến Thanh tra Chính phủ và cơ quan điều tra công an.

Với Quốc hội, ông Thảo nói, Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xác minh, kịp thời lên tiếng bảo vệ cho đại biểu khi cần thiết và cũng để công khai thông tin với cử tri.

Cơ quan của Quốc hội đang giữ kê khai về tài sản của đại biểu có thẩm quyền mời đại biểu giải trình. Và còn trách nhiệm của đoàn đại biểu nơi đó ứng cử cũng cần phối hợp với các cơ quan hữu quan xác minh làm rõ để bảo vệ nếu đúng và phát hiện sai phạm (nếu có) để xử lý.

Nói rộng hơn, ông Thảo cho rằng, khi có ý kiến của bất cứ ai về một trường hợp cụ thể nào đó nghi vấn về bất minh thu nhập thì nên tiến hành xác minh, nhất là với người có chức có quyền càng phải nhanh phải sớm để tạo ra niềm tin với dân, đồng thời kịp thời minh oan cho cá nhân để bảo uy tín cán bộ, uy tín của Nhà nước.

Tại báo cáo mới nhất về phòng chống tham nhũng vừa gửi đến Quốc hội, Chính phủ cũng cho biết, sẽ quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý. Mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Quy định để cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định cũng sẽ được bổ sung.