18:31 10/06/2023

Sửa Luật Báo chí để khắc phục bất cập, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển

Nhĩ Anh

Sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển báo chí truyền thông hiện đại là cần thiết...

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”.

Ngày 10/6, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, báo Vietnamnet) và Trường Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016”.

Đây là hội nghị tổng kết thực hiện Luật Báo chí 2016, một trong những chương trình công tác năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao, gắn với nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.

 
Kết quả nghiên cứu, ra soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bắt cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Bên cạnh đó, Luật cũng nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh nhiều vấn đề nảy sinh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về báo chí trong giai đoạn vừa qua; tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo đánh giá, sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông số hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, ra soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Báo cáo nêu đã ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bắt cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Những tồn tại, bất cập này đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là việc bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.

 
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là bao quát được sự phát triển của truyền thông và báo chí hiện đại.

Cùng quan điểm nhận định này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí 2016 sớm và kỹ. Bộ quan tâm việc hoàn thiện quy định pháp luật về báo chí nói chung và về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí nói riêng để làm sao vừa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính tự chủ, tạo sự chủ động, linh hoạt cho cơ quan báo chí.

Ngoài ra, cũng cần xác định rõ trách nhiệm, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản đối với báo chí, bảo đảm các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng.

Theo TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Diễn đàn Báo chí tháng Sáu lần thứ hai đã đề cập chủ đề rất thời sự, nóng bỏng hiện nay của báo chí Việt Nam. Luật Báo chí là khung khổ pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân nền báo chí đang có nhiều biến động, chuyển đổi liên tục, đa chiều như hiện nay.

Hội thảo đã đi sâu đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí và những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Chuyên gia cũng phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030...) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Các ý kiến nhìn nhận những khó khăn, thách thức đối mặt trong quá trình chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng; đồng thời trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức thực thi Luật Báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, dù góc nhìn dưới lăng kính cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí hay dưới góc độ khoa học của các nghiên cứu, các giảng viên chuyên ngành báo chí và luật pháp thì đây sẽ là những tiếng nói tâm huyết nhất, với mục tiêu đóng góp vì một nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển theo đúng định hướng Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”