18:26 15/09/2021

Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Vũ Khuê

Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 9 (SIE 2021) và Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2021) sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất, kết nối với các đối tác Nhật Bản và quốc tế...

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 17/9/2021
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 17/9/2021

Ngày 15/9, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 9 (SIE 2021) và Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2021) khai mạc và sẽ kéo dài đến ngày 17/9/2021. Đây là lần đầu tiên SIE 2021 và VME 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế.  

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình.

 
"Công nghiệp hỗ trợ vững chắc sẽ giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước".
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng được thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam. Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương cũng chỉ ra những hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như năng lực tổ chức quản lý sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp đạt thấp, giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa cao...

Trong bối cảnh trên, hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng thông qua việc triển khai tích cực các nội dung trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản và Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 7 đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp hai nước.

SIE và VME tạo tiền đề cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất, kết nối với các đối tác Nhật Bản và quốc tế.

Đây là cơ hội thiết thực để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.