12:42 11/06/2021

Chuyên gia Nhật Bản nêu 3 thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam

Vũ Khuê

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, có biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao...

Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng  số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2021 xuất nhập khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 74,8%...

Tại "Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2021" diễn ra chiều ngày 10/6, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, đây là những con số hết sức ấn tượng, nhờ sự tham gia tích cực của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Ông Phú cho biết một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay có năng lực khá tốt, như: sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp - xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật… Các sản phẩm này đã đáp ứng nhu cầu trong nước và được xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Nhật Bản.

 
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Tạo việc làm cho trên 600 lao động chiếm 8% lao động toàn ngành. Doanh thu sản xuất kinh doanh lĩnh vực này đạt hơn 900 ngàn tỷ đồng, đóng góp trên 11% tổng doanh thu toàn ngành.

Đồng tình với nhận định trên, song ông Akutsu Michio, chuyên gia tư vấn Hiệp hội các nhà tư vấn kinh doanh quốc tế Nhật Bản đưa ra những thách thức với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Cụ thể, năng suất lao động của các doanh nghiệp địa phương Việt Nam còn khá thấp. Chính phủ cần nỗ lực nâng cao năng lực kỹ thuật, nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao tại Việt Nam đang bị thu hút bởi doanh nghiệp FDI hoặc ra nước ngoài làm việc. Do vậy, Việt Nam cần có các biện pháp công khai đẩy mạnh giáo dục, hỗ trợ để hấp dẫn nguồn nhân lực này.

Ngoài ra, việc cấp vốn hay có đủ vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó khăn với các doanh nghiệp. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều cản trở. Cơ chế cấp vốn ở Việt Nam hiện đã có nhưng cần mở rộng, nới rộng hơn nữa. Đồng thời, cần cải thiện cơ chế cấp vốn giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dễ dàng đầu tư phát triển hơn.

Ông Akutsu Michio cũng lưu ý, một sản phẩm công nghiệp được làm từ hàng vạn linh kiện. Nên nếu chỉ thiếu một bộ phận thì dây chuyền sản xuất sẽ bị dừng lại. Điểm quan trọng với các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là không được để đứt gãy dây chuyền cung cấp linh kiện tới các nhà sản xuất. Doanh nghiệp cung ứng phải cung cấp thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú ý tới các tiểu tiết để có kế hoạch chi tiết đáp ứng những yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Ngoài các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Canon, Honda, Yamaha… đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Uniqlo đang mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

“Không chỉ cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chất lượng cao cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều cơ hội cung cấp cho những doanh nghiệp lắp ráp chế tạo cuối cùng tại nước ngoài”, ông Akutsu Michio nhận định.