Kết nối nông nghiệp vì tăng trưởng châu Á
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp
Ngày 11/9/2018 tại Hà Nội, bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) diễn ra một sự kiện thường niên quan trọng về nông nghiệp quốc tế, đó là Diễn đàn Tăng trưởng châu Á (Grow Asia Forum - GAF).
Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Papua New Guinea; nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng nông nghiệp đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN; lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia.
Nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông lâm thuỷ sản trong khu vực không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Trong kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam.
"Trong giai đoạn phát triển hiện nay, bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần phải có sự đồng hành của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Từ đó để xây dựng ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về xã hội và môi trường trong toàn chuỗi giá trị nông nghiệp", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Kết nối nông dân
Giám đốc kết nối kinh doanh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đồng chủ tịch Grow Asia Forum cho hay, sáng kiến tầm nhìn mới về nông nghiệp của WEF đang được tiến hành tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, đây có thể được xem là một sáng kiến toàn cầu. Tầm nhìn có sự tham gia thực hiện của 350 quốc gia và tổ chức thành viên của WEF trên toàn thế giới và thiết lập đối thoại cấp cao với G7 và G20.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang triển khai thành công 7 nhóm công tác PPP ngành hàng: cà phê; chè; rau quả; thủy sản; hồ tiêu và gia vị; lúa gạo và hóa chất nông nghiệp.
Đồng chủ trì các Nhóm công tác PPP ngành hàng là các đơn vị chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hiệp hội ngành hàng. Các nhóm PPP đã gắn bó, phối hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để xử lý nhiều vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần giải quyết.
Đó là: xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững (như chuỗi sản xuất và chế biến khoai tây của PepsiCo, chuỗi gạo của Bayer và Vinafood 2, chuỗi cà phê của Nestlé, chuỗi chè của Unilever...); kết nối nông dân với các tổ chức chứng nhận quốc tế (như 4C, UTZ, Rainforest Alliance) nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, qua đó tăng xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao; xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất bền vững quốc gia (cho cà phê, chè, hồ tiêu) đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường thế giới...
Song song với đó, các Nhóm công tác PPP ngành hàng còn triển khai nhiều mô hình thực địa thí điểm và nhân rộng giống mới và các biện pháp kỹ thuật bền vững, thân thiện với môi trường (như mô hình sản xuất cà phê của Nestlé, sản xuất chè của Unilever).
Đến nay, gần 220.000 nông dân đã được hỗ trợ tham gia các mô hình trình diễn kỹ thuật, được tập huấn và áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Các nhóm công tác PPP ngành hàng của Việt Nam được WEF thừa nhận đã và đang mang lại nhiều kết quả tốt và được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất trong Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp của WEF tại châu Á.
Mục tiêu của Việt Nam là nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và nhóm các mặt hàng địa phương. Nhằm hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam sẽ tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp giữa các nước thuộc mạng lưới Grow Asia.