10:39 08/10/2016

Kết quả tái cơ cấu tích cực ở chỗ nào?

Nguyên Vũ

Nhiều ý kiến băn khoăn được đặt ra trong phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế

Báo cáo chưa phản ánh hết các vấn đề của cuộc sống, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Báo cáo chưa phản ánh hết các vấn đề của cuộc sống, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Vụ án nào trong lĩnh vực ngân hàng cũng thất thoát hàng ngàn tỷ, vậy kết quả tích cực ở chỗ nào?

Câu hỏi trên được một vị uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đặt ra trong phiên họp toàn thể ngày 7/10, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và những  vấn đề lớn của dự thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Phải tính toán thận trọng

Đánh giá kết quả 5 năm qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhìn nhận, việc thực hiện quyết liệt những giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực.

Cụ thể hơn ở từng lĩnh vực thì hiệu quả đầu tư bắt đầu được cải thiện, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực, niềm tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng được cải thiện...

Theo một số ý kiến tại phiên họp thì cần đánh giá sâu hơn về kết quả ở từng lĩnh vực.

Là tỉnh nông nghiệp nhưng tôi chưa biết tái cơ cấu nông nghiệp hình dáng thế nào, một vị đại biểu đoàn Thái Bình nói.

Khi tiếp xúc, cử tri nói rất đau xót khi vụ án nào trong lĩnh vực ngân hàng cũng thất thoát hàng ngàn tỷ. Trong khi đó, Gang thép Thái nguyên, Xơ sợi Đình Vũ... vứt đi hàng ngàn tỷ đồng vì đầu tư, hoạt động không hiệu quả. Vậy thì đạt được kết quả tích cực ở chỗ nào? đại biểu này nói tiếp.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển, trong phiên họp buổi sáng cũng đề nghị cơ quan thẩm tra đánh giá cho được xem kết quả tái cơ cấu được nêu tại đề án đã sát chưa, có lạc quan không?

Thực tế chậm chạp và trì trệ, nhiều cái hình thức hơn trong báo cáo, ông Hiển nhận định.

Về kế hoạch 5 năm tiếp theo, ông Hiển nhận xét nhiều nội dung rất chung chung, giống như con tàu đi trên biển mà không rõ đến bến bờ nào.

Cụ thể hơn với hai kịch bản quyết liệt tái cơ cấu và đẩy mạnh tái cơ cấu với GDP bình quân lần lượt là 7,01%/năm và 6,86%/năm, bội chi là 4 và 4,89% ông Hiển cũng rất băn khoăn.

Hai mức tăng trưởng này đều rất cao so với các cân đối lớn, phải tính toán thận trọng. Bội chi như thế cũng cao ngất ngưởng vì theo cách tính của luật mới phải là 7 - 8%, ông Hiển nói.

Báo cáo chưa phản ánh hết cuộc sống

Trình bày báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nêu rõ: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo.

Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ nói ổn định, vậy ta có đồng tình với Chính phủ không?, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi với cơ quan thẩm tra.

Trở lại tác động của GDP không đạt đến nợ công và bội chi, cũng là thông tin được thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu tại phiên họp, ông Hiển "phản biện":  “Anh Hải nói bội chi, nợ công khó giữ được nếu tăng trưởng kinh tế không đạt, mà chắc chắn là không đạt rồi, thì kinh tế vĩ mô có bền vững không?”.

Quay sang Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - trước đó cũng đã phát biểu - ông Hiển nói: chị Hồng nói xu thế lãi suất ổn định và giảm, nhưng tôi nghe nhiều thông tin là lãi suất nhấp nhổm, CPI sẽ ở mức 5%, và đang tăng lên, vậy lãi suất huy động có giữ được không?

Chuyển sang tình hình doanh nghiệp, Phó chủ tịch phân tích,  hiện có gần 980.000 ngàn doanh nghiệp đăng ký, nhưng trong đó chỉ có 480.000 đang hoạt động.  Vì sao doanh nghiệp vẫn khó khăn như thế? Phải chăng là do cơ chế?

Rồi các vấn đề lao động việc làm, nếu nói theo con số báo cáo thì mọi thứ nghe êm ái lắm, nhưng đi tiếp xúc cử tri thì nghiêm trọng hơn con số báo cáo rất nhiều.

Sau nhận xét này ông Hiển dẫn số liệu  từ báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có khoảng 195 ngàn sinh viên đại học không có việc làm, 110.000 sinh viên cao đẳng và 60 học sinh trung cấp nghề không có việc.

Như thế là báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết các vấn đề của cuộc sống, ông Hiển nhìn nhận.