11:26 27/06/2008

Khách sạn sụt giảm khách

Tình hình này đang diễn ra ở các khách sạn cao cấp cũng như những khách sạn trung bình tại Tp.HCM

Khách nước ngoài dạo phố đêm trên đường Đồng Khởi, Tp.HCM.
Khách nước ngoài dạo phố đêm trên đường Đồng Khởi, Tp.HCM.

Sau một thời gian dài đứng ở mức cao, thậm chí luôn kín phòng trong mùa vắng khách quốc tế của ngành du lịch, hơn một tháng nay, công suất phòng của các khách sạn tại Tp.HCM bắt đầu giảm so với mùa vắng khách của năm trước.

Tình hình này đang diễn ra ở các khách sạn cao cấp cũng như những khách sạn trung bình tại Tp.HCM.

Lượng phòng cho thuê sụt giảm

Ông Trần Kim Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bông Sen cho biết, công suất phòng các khách sạn của công ty bắt đầu giảm từ đầu tháng 5 này. Riêng tại khách sạn Palace, công suất phòng tháng 6 đạt khoảng 64%, giảm từ 10-15% so với cùng thời gian của năm trước.

"Số lượng khách đến đang giảm. Hiện tại chúng tôi chỉ nhận được những đơn đặt phòng riêng lẻ, không nhiều đơn đặt phòng theo đoàn lớn như cùng kỳ", ông nói.

Tổng giám đốc khách sạn năm sao Majestic, ông Tào Văn Nghệ cũng nói rằng năm nay việc bán phòng không tốt như dự định. Từ tháng 6 đến tháng 8/2007, công suất phòng đạt từ 72-85% nhưng tháng 6 năm nay chỉ đạt khoảng 55-60%. Dự kiến công suất phòng vẫn tiếp tục giảm xuống mức 50% trong tháng 7 tới đây.

"Năm ngoái, chúng tôi chưa bao giờ thấy công suất phòng xuống dưới 70% cũng như không có sự khác biệt giữa mùa đông khách và mùa vắng khách. Hiện tại, chúng tôi đang thấy tình hình ngược lại", ông nói.

Đại diện của Rex cũng cho biết khách sạn cũng đang gặp phải tình hình tương tự như những khách sạn khác trong thành phố.

Ông Goetze Bauer, Giám đốc tiếp thị của Khách sạn Renaissance Riverside Saigon, cho biết công suất phòng của khách sạn trong tháng 6/2008 giảm 5% so với tháng 6/2007.

Hồi đầu tháng này, ông Trương Vĩnh Thọ, Trưởng phòng Quản lý khách sạn thuộc Sở Du lịch Tp.HCM cũng cho biết, công suất phòng của các khách sạn của tháng trước đã giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, vào tháng 3 và tháng 4, cũng là những tháng vắng khách của ngành du lịch nhưng công suất phòng vẫn tăng. Nhiều khách sạn cho biết, công suất phòng còn tiếp tục giảm cho đến tháng 9, so sánh với cùng mùa vắng khách của năm trước.

Theo bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Du lịch Đường Mòn châu Á, so với năm trước, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành đã dễ dàng hơn khi đặt phòng cho khách du lịch. Thậm chí, một số khách sạn còn gửi đến doanh nghiệp du lịch những chương trình khuyến mại như miễn phí đón, tiễn sân bay, ở bốn đêm tính tiền ba đêm hay tặng thêm dịch vụ. Đây là chuyện không thể thấy vào cùng thời điểm của năm trước.

"Chúng tôi có nhiều đoàn khách đi vào tháng 7 và tháng 8. Nếu cùng thời điểm này năm ngoái, chúng tôi rất khó khăn để đặt phòng vào thời điểm này thì năm nay dễ hơn, thậm chí chúng tôi còn có thể đặt thêm phòng ngoài những phòng đã đăng ký trước", bà nói.

Tìm giải pháp để vượt qua khó khăn

Theo các khách sạn, nguyên nhân chính dẫn đến việc công suất phòng giảm là do tình hình lạm phát chung tại Việt Nam cũng như ở các nước khác đã làm cho lượng khách đi du lịch giảm, cũng như việc doanh nghiệp cắt giảm những chuyến đi công vụ không cần thiết.

Một nguyên nhân khác là do các khách sạn tại Tp.HCM đã bán phòng với giá quá cao và tình hình khó khăn khi đặt phòng tại thành phố trong suốt thời gian dài vừa qua đã làm cho khách e ngại nên không đến.

Để giải quyết tình hình này, một số khách sạn đã quyết định giảm giá phòng và đưa ra những chương trình khuyến mại để hút khách đến nhằm tăng công suất phòng. Một số khách sạn, vốn trước đây không mặn mà với những đơn đặt phòng dài hạn suốt năm từ các công ty lữ hành (vì thường phải áp dụng giá thấp hơn - PV) thì nay đang cố gắng lấy lại những hợp đồng này.

"Chúng tôi đã giảm giá từ 170 đô la Mỹ/phòng xuống còn từ 120-140 Đô la Mỹ/phòng, chủ yếu là nhắm đến khách đoàn để nhanh chóng nâng công suất nhưng hiện tại thì khó có thể tăng ngay được vì khách thường hoạch định chuyến đi trước đó rất lâu," ông Nghệ của Majestic nói.

Tuy nhiên, ông Goetze Bauer của khách sạn năm sao Renaissance Riverside thì cho rằng, do khách sạn chỉ bị giảm ở mảng khách du lịch nên ông tin rằng đây là khó khăn trong ngắn hạn. Khách du lịch là lượng khách bị ảnh hưởng sớm nhất của lạm phát. Khi tình hình kinh tế khó khăn họ sẽ cắt giảm chi tiêu bằng cách giảm đi du lịch hoặc chọn những dịch vụ có giá vừa phải hơn thay vì chọn những dịch vụ cao cấp như lúc bình thường. Tuy nhiên, nếu tình hình lạm phát được cải thiện thì khách sẽ tiếp tục đi du lịch như cũ.

"Theo những diễn biến của nền kinh tế thì tôi thấy tình hình này sẽ được cải thiện. Đây chỉ là sự sụt giảm ngắn hạn", ông nói.

Vị giám đốc tiếp thị này cũng không đồng tình với chính sách giảm giá phòng ngay lập tức để nhanh chóng nâng công suất phòng của khách sạn lên.

"Đây là giải pháp ngắn hạn. Khi giảm giá, khách sạn có thể tăng công suất phòng nhanh chóng nhưng ai sẽ đến? Phải xác định đâu là đối tượng khách chính của khách sạn. Phần lớn doanh thu của chúng tôi đến từ khách thương mại", ông Bauer nói.