Khách Trung Quốc rút lui, giá nhà Australia rớt mạnh
Trong vòng 5 năm tính đến giữa 2017, nhu cầu của khách Trung Quốc đã góp phần đẩy giá nhà ở Sydney tăng 75%
Là một nhà môi giới bất động sản, Adam Wong đang phải đối mặt với đợt sụt giảm tồi tệ nhất trong nhiều thập niên của thị trường địa ốc Australia. Wong cho rằng một phần nguyên nhân là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, Wong hoạt động chủ yếu ở Chatswood, khu ngoại ô nằm ở phía Bắc của cầu cảng Sydney. Tại khu này, 1/3 cư dân là người gốc Trung Quốc. Doanh số của Wong gần đây đã giảm khoảng một nửa so với thời kỳ đỉnh cao.
Dữ liệu của Chính phủ Australia cho thấy Trung Quốc giờ đây không còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở nước này, trong đó vốn Trung Quốc rót vào thị trường địa ốc Australia sụt mạnh.
"Có hai nhân tố chính phía sau sự sụt giảm này", Wong nói. Nhà môi giới bất động sản ước tính rằng 90% doanh số của mình tại Chatswood là bán cho khách Trung Quốc.
"Trước tiên là mọi người gặp khó khi thể chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, và từ giữa 2017 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc", Wong nói.
Trong vòng 5 năm tính đến giữa 2017, nhu cầu của khách Trung Quốc đã góp phần đẩy giá nhà ở Sydney tăng 75%. Ngoài ra, đợt tăng giá nhà đó còn là kết quả của những yếu tố như nguồn cung nhà hạn chế, tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng và lãi suất thấp.
Kể từ giữa 2017 đến nay, giá nhà tại thành phố lớn nhất Australia đã giảm 13%.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Tư tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), Philip Lowe nhấn mạnh sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài như một lý do chính phía sau sự suy giảm của thị trường bất động sản nước này. RBA hiện đang theo dõi chặt chẽ sự đi xuống của thị trường địa ốc, nhất là tác động của tình trạng này đối với chi tiêu của các hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu của khách Trung Quốc đã đẩy giá nhà ở Australia lên, nhưng khó có chuyện họ sẽ trở lại với số lượng đủ lớn để giúp thị trường ổn định. Hiện nay, việc chuyển tiền từ Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng khó do nhà chức trách siết chặt việc kiểm soát dòng vốn nhằm giữ ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Ngoài ra, các yếu tố trong nước cũng khiến thị trường bất động sản Australia yếu đi. Các ngân hàng nước này giờ đây không còn hào phóng cho khách hàng vay mua nhà như trước, sau khi một cuộc điều tra làm lộ ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực cho vay bất động sản. Chưa kể, nguồn cung căn hộ ở nước này cũng đang có chiều hướng tăng.
Bên cạnh đó, do sự bất bình của người dân về tình trạng giá nhà tăng cao ở Sydney và Melbourne, nhà chức trách Australia cũng bắt đầu thắt chặt các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài mua nhà.
Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Australia gia tăng từ đầu thế kỷ 21, khi khách từ Trung Quốc thâu tóm mạnh các tài sản từ các mỏ khoáng sản tới các nông trại của xứ chuột túi. Trong những năm gần đây, người Trung Quốc mua mạnh bất động sản Australia do sức hấp dẫn của môi trường trong lành và lượng sinh viên Trung Quốc du học Australia ngày càng đông.
Không chỉ ở Australia mà ở nhiều quốc gia khác, nhu cầu của khách Trung Quốc cũng đã đẩy giá bất động sản tăng cao, chẳng hạn trên thị trường căn hộ cao cấp ở Canada, các khu resort ở Hawaii, hay các cao ốc ở London.
Khi dòng vốn từ Trung Quốc chảy chậm lại, giá bất động sản tại những nơi này đều suy giảm như một hệ quả tất yếu.
Nhà môi giới bất động sản Wong ước tính rằng sự rút lui của khách Trung Quốc đóng góp khoảng 2/3 trong sự sụt giảm giá nhà ở Chatswood. Tuy nhiên, Wong cho rằng Australia vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với người Trung Quốc muốn mua nhà ở nước ngoài.
"Australia vẫn có tên trong top 2 hoặc top 3 địa chỉ mà người Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài", Wong nói. "Vấn đề chỉ là liệu họ có tiền hay không, và nếu có, thì họ có chuyển được tiền hay không mà thôi".