Khai phá tiềm năng ngành công nghiệp game Việt
Với nhiều tiềm năng phát triển, gồm cả quy mô thị trường, hạ tầng viễn thông, Interenet, nhân lực tăng nhanh và có trình độ tiếp cận công nghệ mới, thậm chí còn được xem là “thủ phủ” của game ứng dụng blockchain, nhưng ngành game Việt Nam chưa được khai phá hết tiềm năng, vẫn “ẩn mình” dưới miếng bánh doanh thu trăm triệu đô và phần lớn thị phần dành cho game ngoại...
Theo số liệu của một số công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất trên thế giới, với mức 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022 – 2025. Thị trường game của Việt Nam xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động, từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động lên con số bằng với thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp, và kêu gọi khoảng 400 startup sản xuất game tham gia cộng đồng.
VIỆT NAM TRONG BỨC TRANH GAME TOÀN CẦU
Theo báo cáo “Digital 2022: Global Overview Report”, trên thế giới có khoảng 4,95 tỷ người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 31,9% người dùng Internet để chơi game online, với doanh thu ngành game online toàn thị trường năm 2021 đạt 175,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2020. Ước tính trong năm 2022, doanh thu game trên toàn cầu đạt khoảng 196,8 tỷ USD. Dự đoán thị trường game thế giới sẽ đạt 211,2 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường game online sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong các năm tiếp theo, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 7,2%.
Một số báo cáo cho biết trong số các thị trường game online trên thế giới thì hiện Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là ba thị trường hàng đầu về doanh thu game trên di động vào năm 2021 (doanh thu lần lượt là 56 tỷ USD, 43 tỷ USD và 20 tỷ USD).
Đối với doanh thu tại khu vực Đông Nam Á, tổng quy mô của thị trường là 4,75 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 5,33 tỷ USD vào năm 2022 và 7,14 tỷ USD vào năm 2026. Năm 2021, Indonesia là quốc gia có doanh thu game online cao nhất đạt 1,83 tỷ USD, tiếp đó là Philippines 1,48 tỷ USD, Thái Lan là 520 triệu USD, Malaysia là 430 triệu USD và Việt Nam đứng thứ 5 với 316 triệu USD (hợp pháp)/665 triệu USD (gồm cả game không phép, game lậu) (theo dữ liệu nghiên cứu về thị trường game năm 2021 của allcorrectgames.com).
Như vậy, trong khoảng 5 năm, từ 216 triệu USD năm 2015, doanh thu ngành game Việt đã tăng hơn 3 lần (gồm cả game hợp pháp và game không phép). Trong số 665 triệu USD doanh thu ngành game đạt được năm 2021 tại Việt Nam thì chỉ có 316 triệu USD là doanh thu hợp pháp do các doanh thu game trong nước thống kê, báo cáo và Nhà nước thu thuế được, số còn lại là doanh thu từ các game không phép, game lậu và bị thất thu thuế.
Các doanh nghiệp game cho biết tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu. Đây là mức trung bình và thậm chí được xem là thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, doanh thu ở mảng thị trường game di động của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 22%, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam. Doanh thu ngành game Việt hiện chỉ đạt dưới 0,5% trong tổng giá trị toàn cầu.
Mặc dù Việt Nam có khoảng 33 triệu người chơi game di động, đứng thứ 3 sau Thái Lan, Indonesia tại khu vực Đông Nam Á (Digital 2022: Global Overview Report), nhưng so với quy mô dân số và mức độ phát triển hạ tầng viễn thông của một số nước trong khu vực, thì doanh thu ngành game online của Việt Nam trong những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn và Việt Nam được nhìn nhận là thị trường đầy tiềm năng với nhiều dư địa để phát triển.
Theo giới chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức nghiên cứu thị trường, sự phát triển hàng loạt công nghệ mới như: 5G, Blockchain, điện toán đám mây… và sự cải tiến mạnh mẽ về phần cứng thiết bị chơi game online (PC, smartphone) trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tăng nhanh số lượng người chơi game, tăng doanh thu lợi nhuận và cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp game online của các công ty trên thế giới.
TIỀM NĂNG TỪ GAME VÀ "ĐẠI LỘ GIAO THƯƠNG"
Thực tế, nhiều năm qua, nắm bắt cơ hội trong xu thế phát triển ngành game của thế giới, các công ty sản xuất và phát hành game online tại Việt Nam đã tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao để tập trung phát triển các game thuộc các thể loại như: Mmorpg (game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi), Turn base (game dàn trận chiến thuật tấn công theo lượt), Moba (game đấu trường trực tuyến nhiều người chơi), Casual (game phổ thông, đơn giản), SLG (game mô phỏng chiến thuật), RPG (game nhập vai),...
Đặc biệt với lợi thế dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới, Việt Nam đang được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ. Thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có gần 85% trò chơi G1 phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm hơn 76% trên tổng số trò chơi G1 phát hành.
"Từ vị trí thiết kế, phát hành game, hiện nay Việt Nam còn được biết đến là một quốc gia có phong trào, năng lực trong thực hiện xây dựng game trên nền tảng công nghệ blockchain, nên thị trường có sự chuyển mình khi các doanh nghiệp blockchain và studio game bắt tay phát triển".
Số lượng các công ty và cá nhân Việt Nam tham gia sản xuất và phát hành game dành cho thị trường toàn cầu khá đông đảo. Tại thời điểm năm 2021, Google thống kê tại Việt Nam có khoảng 430.000 nhà phát triển game và 70% nhà phát triển game Việt Nam đều nhắm đến thị trường game di động toàn cầu. Theo số liệu thống kê của Sensor Tower và Câu lạc bộ game studio Việt Nam, hiện có khoảng 5000 game do người Việt sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào các đề tài, nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục.
Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm và mức lương hấp dẫn cho các vị trí then chốt như thiết kế và lập trình game tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist khoảng 389 triệu đồng/năm. Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng như marketing, quảng cáo, streamer…
Theo báo cáo thị trường nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam của TopDev, năm 2021, Việt Nam có 430.000 nhân lực công nghệ thông tin, xếp hạng thứ 29 trên thế giới và kỹ năng lập trình viên. Sự sẵn có của nguồn nhân lực sáng tạo với hơn 40% trường đại học Việt Nam cung cấp các khóa học về công nghệ thông tin đã tạo điều kiện hình thành nguồn nhân lực sẵn sàng cho ngành công nghiệp nội dung số, trong đó có lĩnh vực game online.
Sau thành công vang dội của game NFT “Axie Infinity” năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng blockchain, game NFT với hàng loạt tựa game do người Việt sản xuất, phát hành như: My DeFi Pet, Faraland, MeebMaster, Theta Arena, Sipher, HeroFi,... Từ vị trí thiết kế, phát hành game, hiện nay Việt Nam còn được biết đến là một quốc gia có phong trào, năng lực trong thực hiện xây dựng game trên nền tảng công nghệ blockchain, nên thị trường có sự chuyển mình khi các doanh nghiệp blockchain và studio game bắt tay phát triển...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam