09:32 31/12/2024

Khan hiếm nguồn cung nhà ở TP.HCM, nhà đầu tư tìm kiếm thị trường vùng ven

Hồng Minh

Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở TP. Hồ Chí Minh còn hạn chế, các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Long An và Đồng Nai đang nổi lên, rất tiềm năng; Dự báo 2025-2027, khi nguồn cung hồi phục, giá nhà sẽ khó hạ nhiệt…

Nhiều dự án nhà đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhộn nhịp trở lại vì ăn theo hạ tầng Sân bay Quốc tế Long Thành và cầu Nhơn Trạch - Ảnh minh họa.
Nhiều dự án nhà đất Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhộn nhịp trở lại vì ăn theo hạ tầng Sân bay Quốc tế Long Thành và cầu Nhơn Trạch - Ảnh minh họa.

Nêu rõ 03 lý do chính dẫn đến tình trạng này, bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam, cho biết các thủ tục pháp lý liên quan đến việc phê duyệt dự án đang gặp nhiều khó khăn. Thời gian triển khai dự án kéo dài đã làm hạn chế khả năng đưa sản phẩm mới ra thị trường. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung sơ cấp nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh, khiến mức giảm đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngoài ra, chi phí đất đai và xây dựng tăng cao khi các chủ đầu tư cũng phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất sạch. Ngay cả khi có quỹ đất khả dụng, chi phí thâu tóm và xây dựng tăng cao đã làm bài toán tài chính trở nên phức tạp hơn.

Cuối cùng, tâm lý thận trọng của thị trường trong năm 2024 cũng là một yếu tố đáng chú ý. Nhiều chủ đầu tư lựa chọn chiến lược thăm dò nguồn cầu trước khi chính thức mở bán, dẫn đến việc nguồn cung mới ra thị trường tiếp tục bị giới hạn.

Theo bà Giang Huỳnh, trong giai đoạn 2025-2027, nguồn cung dự kiến sẽ hồi phục dần nhưng quy mô vẫn sẽ khiêm tốn so với giai đoạn 2018-2019. Cụ thể, phân khúc nhà ở cao cấp sẽ chiếm hơn 50% nguồn cung tương lai, trong khi phân khúc nhà ở vừa túi tiền tiếp tục khan hiếm trong nội thành. Điều này đồng nghĩa với việc giá nhà khó có thể giảm sâu, đặc biệt là tại các khu vực trung tâm và các khu vực đô thị mới kết nối tốt với trung tâm..

Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế tại TP. Hồ Chí Minh, các đô thị vệ tinh như Bình Dương, Long An và Đồng Nai đang nổi lên là các thị trường lân cận tiềm năng, để cung ứng nhiều lựa chọn hơn cho người mua nhà.

Theo số liệu của Savills Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung nhà ở từ các dự án mới tại TP. Hồ Chí Minh đã rất hạn chế, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong nguồn cung sơ cấp.

Đồng thời, giá bán tại các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh như TP. Dĩ An và TP. Thuận An dao động từ 30-40 triệu đồng/m2, thấp hơn đáng kể so với nội thành TP. Hồ Chí Minh. Nhiều dự án tại đây không chỉ thu hút người mua để ở mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn, nhờ tiềm năng phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) đang trở thành xu hướng tất yếu trong quy hoạch đô thị hiện đại. Bên cạnh đó, xu hướng của giới trẻ hiện nay thường lựa chọn làm việc tại các trung tâm đô thị sầm uất nhưng lại sống và an cư tại khu vực ngoại ô hoặc ven thành phố…

Hơn nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng TP. Hồ Chí Minh đang được đầu tư lớn như Sân bay quốc tế Long Thành; Cao tốc Long Thành - Bến Lức; Đường Vành đai 3, Đường Vành đai 4; các tuyến metro, các đường quốc lộ đi qua TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên vận hành cuối năm 2024 được xem là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bất động sản ngoại ô. Những dự án này đa số thu hút người mua đầu tư dài hạn vì mặt bằng giá thấp hơn TP. Hồ Chí Minh.