Động lực tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2025
Triển vọng thị trường bất động sản năm 2025 được định hình trên nền tảng thành quả kinh tế tích hợp năm 2024 và những cơ hội mới, gắn với cải cách thể chế cùng biến động thị trường chung trong nước lẫn quốc tế…
Tại hội thảo “Tiềm năng của căn hộ cho thuê Lease Home” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra 7 điểm nhấn nổi bật, tạo động lực cho thị trường bất động sản.
Thứ nhất, về tổng thể, năm 2024, kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều nhưng được cải thiện về cuối năm, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2,7-3,2% và mặt bằng lạm phát toàn cầu có bước cải thiện đáng kể so với năm 2023; tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới tăng 2,7% và có thể đạt mức 3,0% vào năm 2025. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 được đánh giá nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2024.
Trong khi số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đến nay, cơ bản kinh tế Việt Nam phục hồi và đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, nhất là chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu…
Hơn nữa, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khu vực ven đô. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nhà ở và các loại hình bất động sản khác gồm: nhà phố, bất động sản nghỉ dưỡng, dự án căn hộ trung và cao cấp, khu đô thị thông minh, khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt.
Thứ hai, bất động sản công nghiệp và hậu cần năm 2024, năm 2025 tiếp tục là điểm sáng của thị trường, tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đầu về số lượng giao dịch trong năm 2024, thậm chí có thể của cả năm 2025, gắn với nhu cầu thuê cao, nguồn cung tăng trưởng ổn định từ nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt và triển khai trên cả nước, với giá thuê tăng trung bình 2-5% mỗi quý trong năm 2024 tại những thị trường trọng điểm, đi kèm tỷ lệ lấp đầy cao.
Lực đẩy chính của xu hướng này đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Song cần lưu ý, năm 2023 FDI vào Việt Nam tăng tới trên 36% so với năm 2022. Niềm tin thị trường của doanh nghiệp FDI được củng cố qua con số tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019-2024. Đây chính là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt được mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.
Thứ ba, hiện trên cả nước đã triển khai 644 dự án nhà ở xã hội với quy mô 580.109 căn. Trong đó, 96 dự án đã hoàn thành, cung cấp 57.652 căn; 133 dự án đang được khởi công với quy mô 110.217 căn và 415 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy mô 412.240 căn.
Dự kiến, một số thành phố lớn gồm Hà Nội sẽ hoàn thành khoảng 16.000/18.700 chỉ tiêu căn nhà ở xã hội được giao giai đoạn 2021-2025 và cung cấp thêm khoảng 57.000 căn trong giai đoạn 2026-2030. Còn TP.HCM được giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 2,5 triệu m2 sàn, tương đương 35.000 căn hộ.
Thứ tư, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 ước gần 800.000 tỷ đồng, cao hơn so với con số hơn 670.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 315.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng.
Năm 2025, Việt Nam tiếp tục mở rộng phát triển công nghiệp và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến đường cao tốc, sân bay mới và hệ thống đường sắt đô thị, cũng như nhiều công trình tầm cỡ quốc gia mới của Đảng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024 về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, cả nước tập trung ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).
Công điện cũng yêu cầu triển khai hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi (gói tín dụng nhà ở xã hội, hỗ trợ nông, lâm, thủy sản…); thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, nhà ở xã hội và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; triển khai hiệu quả gói tín dụng 145 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội; quyết tâm xây dựng 100 nghìn căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025.
Thứ năm, UBND TP Hà Nội dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là thu 25.105 tỷ đồng từ đấu giá đất, tức cao gấp đôi các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm). Sang đầu năm 2025, Hà Nội tiếp tục tổ chức đấu giá thêm 52 thửa đất đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài, tại huyện Quốc Oai. Nhiều địa phương khác cũng quan tâm triển khai những kế hoạch đấu giá đất trong năm 2025.
Thứ sáu, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong 3 quý đầu năm 2024 ghi nhận 23.900 căn hộ sơ cấp được giao dịch, tăng 28% so với tổng số giao dịch của cả năm 2023.
Những nỗ lực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trong thời gian vừa qua là không thể phủ nhận. Đặc biệt, một số địa phương gồm TP.HCM, Bình Định, Bình Dương ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý. Đơn cử, TP.Hồ Chí Minh đã hoàn tất gỡ vướng pháp lý cho 8 dự án bất động sản như: The Metropole Thủ Thiêm, Celadon City, Metro Star, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm... Đây đều là những dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng với quy mô lớn và nguồn cung đa dạng. Từ đó, tạo niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong những tháng cuối năm 2024 và lấy đà cho năm 2025.
Thứ bảy, giai đoạn 2023-2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Nghị quyết 171/2024/QH15 “về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”… Ngoài ra, các chính sách tài chính và tiền tệ cũng đang được điều hành linh hoạt hơn, bao gồm cả đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mang lại nguồn lực quan trọng và hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của thị trường bất động sản…