09:00 20/06/2024

Khánh Hòa tập trung gỡ khó cho các cụm công nghiệp

Thanh Xuân

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại một số cụm công nghiệp đã thành lập. Phấn đấu đến cuối năm 2024, cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch 4794/KH-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9 CỤM CÔNG NGHIỆP ĐƯỢC THÀNH LẬP

Theo địa phương, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phát triển 14 cụm công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch khoảng 669 ha. Đến nay, tỉnh có 9/14 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 362,64 ha (7 cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng, tổng diện tích 278,35 ha; 2 cụm công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, và được giao cho Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa quản lý, tổng diện tích 84,29 ha).

Trong số 9 cụm công nghiệp này, có 6 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê là 117,11 ha/149,96 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 78%. Các cụm công nghiệp đã sắp xếp, bố trí được cho 80 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 4.440 lao động. Tuy nhiên, còn 3 cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư (Ninh Xuân; Trảng É 2; Diên Thọ).

Như vậy, theo Quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn 5 cụm công nghiệp chưa được thành lập, tổng diện tích khoảng 196,81 ha, gồm: Cụm công nghiệp Khánh Bình; Cụm công nghiệp Trảng É 3; Cụm công nghiệp Sơn Bình; Cụm công nghiệp Cam Thịnh Đông; Cụm công nghiệp Cam Thành Nam.

Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã thành lập như: Diên Thọ, Diện Thọ (giai đoạn 2), huyện Diên Khánh; Trảng É 2, huyện Cam Lâm; Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa. Phấn đấu đến cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng đối với các cụm công nghiệp trên.

Song song với đó, tiếp tục thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật: Cụm công nghiệp Sông Cầu, (huyện Khánh Vĩnh), phấn đấu đạt 45%; Cụm công nghiệp và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích (thị xã Ninh hòa) phấn đấu đạt 75%.

Đồng thời, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã thành lập (gồm: công trình giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, phòng cháy, chữa cháy, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp); 100% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ THỨ CẤP

Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; huy động tối đa nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nguồn lao động… 

UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của chủ đầu tư cụm công nghiệp, để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. Mặt khác, chủ trì, phối hợp với sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại cụm công nghiệp.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy các khu vực đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dự án tại cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định; giám sát thực hiện cam kết tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thi công cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập... đảm bảo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; tăng cường triển khai đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, kêu gọi dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp đã thành lập; Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, xây dựng; UBND các huyện, thị xã, thành phố có cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng, đẩy nhanh việc thực hiện thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng…