Khi công ty chứng khoán quá tải
Trong tình trạng quá tải, nhiều công ty đã phải dùng đến cả những biện pháp được xem là “hạ sách” để giảm bớt số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Trong tình trạng quá tải, nhiều công ty đã phải dùng đến cả những biện pháp được xem là “hạ sách” để giảm bớt số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ
Hơn một tháng nay, vào các buổi sáng giao dịch, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (IBS) tại Hà Nội cắt cử riêng một nhân viên an ninh đứng chắn ngoài cửa ra vào để kiểm tra tư cách khách hàng. Chỉ những nhà đầu tư đã có thẻ giao dịch tại công ty mới được vào sàn theo dõi bảng điện tử.
Làm cách này, công ty đã phần nào giảm bớt được sự lộn xộn, chen lấn và cả việc bị mất đồ của khách hàng. Nhưng làm cách này, cũng vì thế mà Công ty đã hạn chế luôn cả những nhà đầu tư đang có nhu cầu tìm hiểu và tham gia thị trường sôi động này.
Tuy nhiên, sức nóng của thị trường chứng khoán vẫn như một thỏi nam châm cực mạnh, thu hút sự quan tâm đặc biệt của hầu hết các tầng lớp xã hội. Thị trường thì tăng mạnh gấp hàng chục lần trong khi dịch vụ cung cấp vẫn chỉ có bằng đấy những con người và máy móc của hơn 10 công ty chứng khoán của 6 năm về trước.
Đến thời điểm này, số lượng công ty chứng khoán được cấp phép chính thức mới đạt con số 55, nhưng trên thực tế mới chỉ có hơn 1/3 trong số đó đi vào hoạt động. Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư có khả năng đã tăng gấp 3- 4 lần hiện nay, đạt 250.000 – 300.000 tài khoản.
Một số công ty chứng khóan đã phân cấp các nhà đầu tư ra thành nhiều đẳng cấp để có những chính sách đối xử khác nhau. Và với mỗi đẳng cấp như vậy sẽ đi kèm với một chất lượng dịch vụ tương ứng.
Ở những công ty này, các khách hàng có mức giao dịch lên mức tiền tỷ sẽ được xếp vào hàng VIP với các ưu đãi như: có phòng riêng với chỗ ngồi đàng hoàng, được ưu tiên nhập lệnh ngay lập tức vào sàn, đó là chưa kể đến những dịch vụ tư vấn rỉ tai mua cái này bán cái nọ.
Trong khi đó, các nhà đầu tư “quần chúng” khác phải chen vai thích cánh, căng mắt theo dõi bảng điện tử chiếu trên tường khi mờ khi tỏ, rồi năn nỉ nhân viên được nhập lệnh sớm hoặc hủy lệnh.
“Các công ty chứng khoán phải làm những điều này là do không có đủ khả năng phục vụ tất cả thượng đế với cùng một chất lượng dịch vụ, do sự hạn chế về nhân tài vật lực. Công ty nào cũng muốn khách đông, giao dịch nhiều. Nhưng trong điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế như hiện nay, đặc biệt về hệ thống công nghệ thông tin của trung tâm giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán buộc phải lựa chọn khách VIP”, một chuyên gia chứng khoán nhận xét.
Việc đưa ra các chính sách ưu đãi khác nhau đối với các nhà đầu tư không phải là chuyện lạ. Nhưng cách thức thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất cho công ty và làm hài lòng khách hàng thì còn nhiều vấn đề phải bàn.
Hơn 7 năm qua, Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan ban ngành đã rất nỗ lực trong việc phổ cập chứng khoán ra công chúng với mục tiêu thu hút nguồn tiền nhàn rỗi cực lớn trong dân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhưng khi công chúng đã hiểu ra và nhập cuộc thì lại gặp phải những rào cản đáng tiếc. Như thế liệu có đáng không?