16:52 18/06/2024

Khi đã nhận lương từ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn có còn dám bảo vệ người lao động?

Nhật Dương

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu lo ngại khi thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) trên Nghị trường Quốc hội ngày 18/6...

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ngày 18/6. Ảnh: Quochoi.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), ngày 18/6. Ảnh: Quochoi.

Theo các đại biểu, hiện nay cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng tiền lương và các chế độ do doanh nghiệp chi trả. Điều này có thể khiến họ không phát huy được hết vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

NÊN LẤY KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRẢ LƯƠNG, THƯỞNG CHO CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận, cho rằng tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp là người bảo vệ quyền lợi của người lao động tại các đơn vị này. Tuy nhiên, vấn đề tiền lương và các chi phí trả cho cán bộ công đoàn là do doanh nghiệp, người chủ của công ty và doanh nghiệp trả.

Do vậy, đại biểu lo ngại cán bộ công đoàn trong công ty, doanh nghiệp có thật sự dám lên tiếng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị xâm phạm hay không.

“Thực tiễn trong thời gian qua, chúng ta thấy đã thống kê được có bao nhiêu vụ việc khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại các công ty, doanh nghiệp, mà tổ chức công đoàn tại đây đã đứng ra đại diện bảo vệ cho người lao động, hiệu quả đó thế nào”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông băn khoăn.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần xem xét lại vấn đề này để tổ chức công đoàn tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi, và lợi ích hợp pháp người lao động.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đoàn Bình Thuận. Ảnh: Quochoi.

Đồng thời, đại biều đề nghị tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác đối với cán bộ công đoàn chuyên trách ở các công ty, doanh nghiệp nên lấy kinh phí từ công đoàn cấp trên.

Nguồn này sẽ dùng để chi trả cho cán bộ công đoàn, giúp họ “toàn tâm, toàn ý” thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người lao động tại công ty, doanh nghiệp.

Cùng chung mối quan tâm về nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang nêu thực tế, cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu làm việc tại doanh nghiệp, không thuộc biên chế công chức. Thực tiễn cán bộ công đoàn cơ sở đa số hoạt động kiêm nhiệm, chịu sự chi phối từ doanh nghiệp, do họ là người lao động nhận lương từ doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.

Theo đại biểu đoàn Hậu Giang, đây là thực tế khó khăn của cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là ở những nghiệp đoàn có đông công nhân lao động. Nếu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp thì công chức không đủ biên chế, vì thế đại biểu cho rằng đối tượng này nên là hợp đồng để thuận lợi trong việc xử lý các vấn đề của cán bộ công đoàn, trả lương, phù hợp với mặt bằng tiền lương trong doanh nghiệp.

“Việc cơ cấu cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông đoàn viên công đoàn để quản lý, trả lương, đảm bảo tiếng nói độc lập, mạnh mẽ của cán bộ công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, nữ đại biểu đoàn Hậu Giang góp ý.

QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN

Về cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn, đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn TP. Hà Nội cũng đề nghị cụ thể hóa mức hỗ trợ hàng tháng trong thời gian gián đoạn việc làm đối với cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Mức ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.

Tại khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật có quy định "đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc, hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách, nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được 2 bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, đoàn TP. Hà Nội. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị sửa đổi theo hướng, quy định khi sa thải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, thay vì của công đoàn cơ sở.

“Điều này sẽ chặt chẽ và phù hợp hơn, vì nếu quy định có ý kiến bằng văn bản công đoàn cơ sở thì rất dễ công đoàn cơ sở bị thao túng, gây sức ép để hợp lý hóa việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn cơ sở của người sử dụng lao động”, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm.

Bổ sung thêm về nội dung này, đại biểu Đinh Công Sỹ, đoàn Sơn La, cho rằng thực tiễn việc người sử dụng lao động sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn cần có ý kiến thỏa thuận của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là khó bảo đảm tính thực tiễn.

“Cán bộ công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương và bố trí công việc. Họ thường khó bày tỏ quan điểm trái chiều, nhất là về công tác cán bộ công đoàn, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở do công đoàn cấp trên ra quyết định công nhận”, đại biểu Đinh Công Sỹ dẫn chứng.

Vì vậy, đại biểu đề xuất dự thảo cần điều chỉnh theo hướng là những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự của Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, thì cần có sự thỏa thuận và ý kiến của công đoàn cấp trên.

Bởi đây là tổ chức độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên ý kiến của họ sẽ khách quan, toàn diện và thực chất hơn. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn cấp công đoàn được quy định như trong dự thảo cụ thể là công đoàn ở cấp nào, công đoàn cơ sở hay công đoàn cấp trên cơ sở?

Theo đại biểu, việc quy định không rõ và chung chung rất dễ dẫn đến việc các cấp công đoàn còn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, hoặc không có cơ sở pháp lý để nhận trách nhiệm.

Đại biểu Đinh Công Sỹ, đoàn Sơn La. Ảnh: Quochoi.
Đại biểu Đinh Công Sỹ, đoàn Sơn La. Ảnh: Quochoi.

Giải trình thêm, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thừa nhận những bất cập mà các đại biểu đã chia sẻ.

“Có những tỉnh, thành có quan hệ lao động phức tạp. Số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn đông, nhưng cán bộ công đoàn bố trí không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, một số tỉnh, thành có số lượng doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn ít, quan hệ lao động không phức tạp lại được bố trí cán bộ công đoàn không tương xứng với đặc điểm như vậy”, ông Khang nêu thực tế.

Theo ông Khang, tại các công đoàn cơ sở có đông công nhân lao động như ý kiến một số đại biểu đã nêu, tức là doanh nghiệp trả lương sẽ giảm sút đi tinh thần chiến đấu, bảo vệ trong quan hệ lao động.

Do vậy, Tổng Liên đoàn mong muốn sẽ được hợp đồng để có các cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ sở. Đặc biệt, ở TP. HCM chưa có hợp đồng nhưng Thành ủy thành phố đã cho tổ chức Công đoàn 22 biên chế để cử xuống làm Chủ tịch công đoàn chuyên trách ở các cơ sở có đông công nhân lao động và quan hệ lao động phức tạp.