09:44 08/06/2012

Khi ngân hàng đắn đo… tiền gửi trăm tỷ

Minh Đức

Một lần nữa quyết định giảm lãi suất huy động được đưa ra khá xa trước thời điểm có hiệu lực, người trong cuộc có thể băn khoăn

Thường thì các khoản tiền gửi lớn có vị trí danh dự trong ưu tiên săn đón của các ngân hàng thương mại. Theo đó, sự đắn đo của ngân hàng trong trường hợp này, dù có thể cá biệt, là một hiện tượng.
Thường thì các khoản tiền gửi lớn có vị trí danh dự trong ưu tiên săn đón của các ngân hàng thương mại. Theo đó, sự đắn đo của ngân hàng trong trường hợp này, dù có thể cá biệt, là một hiện tượng.
Thêm một lần nữa quyết định giảm lãi suất huy động được đưa ra khá xa trước thời điểm có hiệu lực, người trong cuộc có thể băn khoăn.

Cuối chiều 7/6, phóng viên VnEconomy nhận được cuộc gọi từ giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại. Ông tỏ ra bất ngờ trước thông tin hạ 2%/năm trần lãi suất huy động VND mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra.

“Hôm nay thấy người đến gửi tiền nhiều hơn thường ngày, tôi đã băn khoăn. Việc giảm tiếp trần lãi suất huy động thì đã dự đoán, nhưng cứ tính là giảm khoảng 1% thôi, ai ngờ giảm mạnh và sớm như vậy”, ông cho biết.

Theo nguồn tin này, đến đầu giờ chiều 7/6, lượng người đến gửi tiền càng đông hơn, lại chủ yếu chọn các kỳ hạn khá dài. Nhân viên tại một số địa bàn báo về có những khoản tiền gửi cỡ trăm tỷ đồng của tổ chức, cần chỉ đạo xử lý ngay. Các cuộc gọi từ khách hàng thương lượng lãi suất thêm “chút ít” cũng dày hơn…

Thường thì các khoản tiền gửi lớn có vị trí danh dự trong ưu tiên săn đón của các ngân hàng thương mại. Theo đó, sự đắn đo của ngân hàng trong trường hợp này, dù có thể cá biệt, là một hiện tượng.

Vị giám đốc chi nhánh trên tính toán: “Hiện lãi suất huy động cao nhất 11%/năm, nhưng chỉ mấy ngày tới xuống chỉ còn 9%/năm, thay đổi lớn như vậy là một bài toán chi phí cần cân nhắc, hơn nữa các khoản chào gửi lại toàn nhắm các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng”.

Một lần nữa quyết định hạ lãi suất huy động được Ngân hàng Nhà nước đưa ra khá xa trước thời điểm có hiệu lực. Như một bài viết gần đây, bật xi nhan trước khi rẽ, thông tin đi trước đã và sẽ đánh động dòng tiền gửi. Người gửi tranh thủ cơ hội đã đành, còn ngân hàng cũng đắn đo về chi phí huy động.

Sẽ đơn giản nếu xem ngân hàng chỉ là trung gian, huy động vốn lãi cao thì cho vay ra lãi cao, “chuyển lửa” cho người vay vốn, cơ cấu kỳ hạn có sự gối đầu… Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cho vay ra đang là vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng. Vậy nên một phần họ e ngại.

Ngay từ hồi đầu năm, trao đổi với VnEconomy, một lãnh đạo trong giới cũng chia sẻ rằng, năm nay không nhất thiết phải đẩy mạnh tín dụng mà chỉ cần cân đối chi phí đầu vào, quản lý và thu hồi nợ tốt là cũng đã có lãi đáng kể và an toàn hơn.

Mặt khác, cứ cho là “chuyển lửa” như vậy thì cũng phải xét đến sự cân đối. Vốn huy động chủ yếu cố định lãi suất trong suốt kỳ gửi, trong khi lãi suất cho vay ra thường 3 - 6 tháng phải đứng trước áp lực điều chỉnh, trước mắt là yêu cầu giảm. Ở thời điểm nhạy cảm này, lãi suất đầu vào càng cao, không khí càng loãng.

Thế nên, trong các lý do, việc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chủ động giảm mạnh lãi suất huy động VND trước thềm sự kiện này cũng có một phần về tính toán chi phí. Một số người trong cuộc trao đổi về quyết định của Vietcombank nói rằng, khi đọc tin họ cũng đã ngờ ngợ…

Còn những ngày tới, trước 11/6, sẽ không bất ngờ khi có thêm ngân hàng khác thay đổi biểu lãi suất huy động. Tin ra sớm sẽ thúc thêm dòng tiền gửi vào ngân hàng. Sau 11/6 sẽ là tính hấp dẫn của 9%/năm như thế nào.

Ở cuộc gọi trên, người gọi nói vui bên lề rằng: “Chiều nay bà xã anh cũng hỏi là mình có nên mua “đô” không?”.