00:25 21/09/2007

Khi ở quán net thích hơn ở nhà

Kiều Oanh

Lẽ ra, đối với những ông chủ quán café Internet tại Nhật Bản, lúc này phải là một thời kỳ khó khăn

Trên khắp nước Nhật, những tiệm café Internet đang mọc lên như nấm.
Trên khắp nước Nhật, những tiệm café Internet đang mọc lên như nấm.
Lẽ ra, đối với những ông chủ quán cà phê Internet tại Nhật Bản, lúc này phải là một thời kỳ khó khăn.

Bởi xét cho cùng, tại sao người Nhật lại phải đi tới một quán cà phê Internet trong khi Internet băng thông rộng đã trở nên quá phổ biến trong các gia đình ở nước này?

Với tốc độ download nhanh gấp 10 lần so với ở Mỹ, người sử dụng Internet ở Nhật Bản đang được hưởng tốc độ kết nối mạng băng thông rộng nhanh nhất trên khắp thế giới. Mặt khác, đang ngày càng có nhiều người Nhật không cần phải dùng đến máy tính để lên mạng. Vào năm 2001, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng dịch vụ mạng 3G, và giờ đây, nước này đang là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực truy cập Internet bằng điện thoại di động.

Trên khắp nước Nhật, những tiệm cà phê Internet đang mọc lên như nấm. Theo dự báo của Hiệp hội Café liên hợp Nhật Bản (JCCA), số lượng quán cà phê Internet nằm dưới sự quản lý của các thành viên của Hiệp hội này sẽ đạt mức 4.100 quán, tăng 50% so với năm 2005. Doanh thu của những quán cà phê Internet cũng tăng mạnh.

Dự báo của JCCA cho thấy, doanh thu của các thành viên hiệp hội này tăng 50% lên mức 2,6 tỷ USD vào năm 2010. Nếu tính cả những quán cà phê Internet nhỏ thì những con số này còn lớn hơn nhiều. “Thị trường cà phê Internet sẽ tăng gấp đôi trong vòng 10 năm,” Seiichiro Samajima, một nhà phân tích tại công ty Ichiyoshi Securities ở Tokyo nói.

Nhật Bản là nước đi tiên phong trong lĩnh vực Internet băng thông rộng, vậy tại sao ngày càng có nhiều người ở nước này lên mạng ở những quán cà phê Internet? Những gì diễn ra trước đây là một phần nguyên nhân của thực tế này.

Dịch vụ miễn chê

Nhiều quán cà phê Internet ở Nhật khởi đầu là những quán cà phê manga, nơi những người yêu thích truyện tranh có thể ngồi hàng giờ để đọc truyện và thư giãn trong khi thưởng thức một món đồ uống nào đó. Trong 10 năm qua, ranh giới giữa cà phê Internet và cà phê manga đã mờ dần, khiến số lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, lý do chính khiến cà phê Internet phát triển mạnh đến vậy ở Nhật lại nằm ở những ý tưởng sáng tạo của các chủ quán. Nhận thức rõ ràng rằng, hiện nay, hầu như chẳng có khách hàng nào tới cà phê Internet chỉ để làm những việc như kiểm tra email hay duyệt web, các chủ quán đã không ngừng biến quán của mình thành địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn hấp dẫn.

Bởi thế, khi bước vào những quán cà phê Internet hiện nay ở Nhật, khách hàng không còn nhìn thấy một dãy máy tính kết nối Internet như trước kia. Thay vào đó là rất nhiều thứ khác, từ dịch vụ massage tới cho thuê đĩa DVD, từ những phòng tắm nước nóng tới thư việc truyện tranh và quầy bán đồ ăn nhanh.

“Trước đây, chỉ một không gian nhỏ với một chiếc máy tính là đủ, nhưng nhu cầu của khách hàng bây giờ đã khác rồi,” Momoko Sugiura, một thành viên của Valic, công ty điều hành 100 quán cà phê Internet mang thương hiệu Kaikatsu Club nói.

Khi vào những quán cà phê Internet thương hiệu Aprecio ở Tokyo, khách hàng được ngồi trên những chiếc ghế massage và có thể tắm khoáng chất germanium, một chất có tác dụng kích thích tuần hoàn máu. Ngoài ra, trong những quán này còn có 30.000 đầu truyện tranh, tạp chí và đĩa DVD mới. Khách hàng có thể thuê đĩa DVD để xem trên máy tính hoặc trong những phòng nhỏ được trang bị màn hình phẳng cỡ lớn.

Với những khách hàng muốn đảm bảo sự riêng tư, họ có thể sử dụng những máy tính được đặt trong khoang riêng có thiết bị liên lạc với bên ngoài. Còn đối với những người mê game, đã có những chiếc máy tính tốc độ cực cao. Đáng chú ý, một số công ty sản xuất game, bao gồm cả công ty Electronic Arts của Mỹ, đã tung ra những phiên bản game online đặc biệt cho các quán cà phê Internet.

Phụ nữ và người cao tuổi cũng là những đối tượng khách hàng đang phát triển mạnh của cà phê Internet ở Nhật Bản. Hiện tại, 73% khách hàng của các quán cà phê Internet ở Nhật Bản là nam giới. Nhưng tỷ lệ này đang thay đổi khi mà các dịch vụ tại các quán này ngày càng trở nên đa dạng hơn.

Thực đơn và các thức bài trí trong các quán Kaikatsu Club đang được điều chỉnh để nhằm vào nhiều đối tượng khách hàng hơn. Ngoài ra, có nhiều quán mang thương hiệu này nằm ở khu vực ngoại ô, giúp thu hút nhiều khách hàng là những bà nội trợ và người có tuổi. Bên trong những quán này, ánh sáng ấm áp giúp tạo ra một bầu không khí thân mật.

Bên cạnh đó, thiết kế quán tương tự như những khách sạn ở khu nghỉ mát Bali nổi tiếng của Indonesia cũng tạo sức hấp dẫn lớn. Hiện trong các quán Kaikatsu Club còn có các phòng hát karaoke, một thú tiêu khiển yêu thích của người Nhật.

Nắm ngoái, Valic, công ty điều hành chuỗi cửa hàng cà phê Internet này còn tăng gấp đôi số lượng món ăn phục vụ tại đây lên con số 40 và sử dụng những nguyên liệu tốt hơn. Hiện Valic đang điều hành 100 quán cà phê Internet mang thương hiệu Kaikatsu Club và dự định mỗi năm sẽ mở thêm 29 quán nữa. Mỗi quán cà phê này phục vụ 30.000 khách hàng mỗi năm.

Giá cả miễn bàn

Một nguyên nhân khác dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của cà phê Internet ở Nhật Bản là mức giá cả hợp lý. Theo JCCA, bình quân mỗi khách hàng ngồi trong quán cà phê Internet 2,5 giờ đồng hồ và chỉ phải trả 10 USD. Mariko Yumita, một nhân viên văn phòng ngoài 30 tuổi ở Omiya, một nơi gần Tokyo cho biết, cô đã trở thành một khách hàng trung thành của Reche Rcher, một chuỗi cửa hàng cà phê Internet nhỏ. Mặc dù Yumita có máy tính ở nhà, phòng riêng của cô rất nhỏ và nếu ở trong đó vào những tháng mùa hè nóng nực thì thật khó chịu.

Bởi thế, cứ mỗi cuối tuần, Yumita lại ngồi 3 giờ đồng hồ ở quán cà phê Internet để xem đĩa DVD trên máy vi tính trước khi kiểm tra email và đọc các thông tin chiêm tinh trên mạng.

“Ban đầu tôi cũng hơi lo vì chẳng biết những người ra vào quán cà phê Internet là những người như thế nào. Nhưng bây giờ thì tôi thấy ở đây thật tuyệt, những nhân viên phục vụ nữ ở đây rất thân thiện, khiến những khách hàng là phụ nữ cảm thấy thoải mái,” cô nói.

Yumita cho biết thêm, số tiền mà cô phải bỏ ra để ngồi trong quán cà phê Internet không có gì phải bàn cãi. Thư giãn trong Reche Rcher 6 giờ đồng hồ, cô chỉ mất có 17 USD. Đồ uống nhẹ ở đây là miễn phí và nếu cảm thấy mệt vì ngồi trước máy tính lâu, cố có thể đọc truyện tranh, tạp chí, hoặc đi tắm ngay trong quán.

Trên thực tế, đã có không ít người Nhật không có đủ tiền thuê nhà đã biến cà phê Internet thành nơi ở tạm thời của mình. Vào ngày 28/8 vừa qua, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy Nhật Bản có khoảng 5.400 “người tị nạn ở các quán cà phê Internet.” JCCA thì lo ngại rằng, hình ảnh cao cấp mới được tạo ra của những quán cà phê Internet của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thực tế này.

Các nhà phê bình cho rằng, cà phê Internet là hang ổ cho những hành động phạm tội trên mạng và những hành vi vi phạm pháp luật khác như copy đĩa DVD bất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy chế thành viên chặt chẽ, các quán cà phê Internet chắc chắn sẽ mất khách.

Lợi nhuận cũng là một vấn đề. Đặc biệt, đối với những quán nhỏ, họ phải đầu tư vào những dịch vụ mới, nếu không sẽ mất khách. Và thậm chí vẫn có những quán đầu tư nhiều mà vẫn không phải lúc nào cũng thành công. “Thử rồi thất bại là chuyện thường xuyên”, Sugiura thú nhận. Năm ngoái, doanh số của Valic, công ty của cô, tăng 34% lên mức 151 triệu USD. Lợi nhuận ròng tăng 4%, lên mức 3,9 triệu USD.

Các nhà phân tích cho rằng trong thời gian tới, nhiều quán cà phê Internet nhỏ lẻ sẽ tụt hậu và bị thay thế bởi những chuỗi cửa hàng lớn như Valic.

(Theo BusinessWeek)