12:31 01/12/2007

Khổ vì thừa USD

Các ngân hàng thương mại cho biết họ đang khổ sở từng ngày vì vừa mua USD hôm sau đã thấy... lỗ

Gửi USD tại Sacombank.
Gửi USD tại Sacombank.
Trong khi nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam hàng tỉ USD, Chính phủ cũng cần tiền cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhưng gần bốn tháng qua hai bên không thể gặp nhau, hậu quả là giá USD cứ rớt dài vì ứ đọng hàng.

Giá USD giảm (hay VND lên giá) đang và sẽ gây khó cho nhà xuất khẩu. Về phía người dân, USD giảm khiến họ băn khoăn khi tài sản của mình đang bị “teo” đi.

Giá USD giảm đến đâu?

Ngày 29/11, hầu như tất cả các ngân hàng thương mại đều công bố giá mua và giá bán USD bằng nhau và ở mức thấp nhất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép: 16.046 đồng.

Như vậy, giá bán USD trên thị trường đã giảm khoảng 30 đồng so với đầu tháng, và giảm đến 209 đồng so với mức giá đỉnh đạt được vào ngày 17/8 (16.255 đồng). Đến ngày 30/11, giá USD đã chỉ còn 16.044 đồng/USD.

Theo một ngân hàng nước ngoài, tỉ giá VND/USD vẫn giao dịch quanh mức sàn suốt cả tuần qua do tình trạng dư thừa USD tiếp tục kéo dài trên thị trường. Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết ước đoán có thêm chừng 6 tỉ USD đã chảy vào Việt Nam kể từ giữa tháng tám (thời điểm giá USD bắt đầu giảm trở lại sau khi Ngân hàng Nhà nước kết thúc việc mua vào 7 tỉ USD vốn ngoại rót vào Việt Nam trong những tháng đầu năm).

Các ngân hàng thương mại cho biết họ đang khổ sở từng ngày vì vừa mua USD hôm sau đã thấy... lỗ.

“Hôm thứ hai (26/11) chúng tôi mua USD với giá 16.050 đồng, nhưng qua ngày 29/11 giá chỉ còn 16.046 đồng. Các ngân hàng nước ngoài tiếp thị tốt hơn, nhờ vậy việc giải quyết đầu ra đối với USD cũng dễ dàng hơn. Còn chúng tôi mua vào như ôm cục nợ, chạy chào hàng muốn chết để bán lại nhằm cân đối việc kinh doanh trong ngày”, cán bộ phòng kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng cho biết.

Trước áp lực từ phía các nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng thương mại trong nước, Ngân hàng Nhà nước vẫn không tiết lộ thông tin gì mới về việc trợ giúp giải quyết lượng USD dư thừa trên thị trường với tư cách là người mua - người bán cuối cùng trên thị trường. Động thái mới của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỉ giá liên ngân hàng ngày càng giảm dần từ giữa tháng đến nay nhưng lại được đánh giá là nhằm... kiềm chế lạm phát.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng Nhà nước, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương nới lỏng tỉ giá hối đoái để giảm bớt cung tiền đồng trong nỗ lực giảm sức ép lạm phát. Ông Nghĩa cũng cho biết từ đầu năm đến nay tỉ giá ngoại tệ liên ngân hàng đã giảm chừng 0,5%. Từ đây đến cuối năm, trước áp lực mới là kiều hối sẽ đổ về ồ ạt (ước cả năm chừng 5 tỉ USD), dự kiến giá USD sẽ giảm khoảng 1%.

“Tôi nghĩ cuối năm giá USD xuống đến mức xấp xỉ 16.000 đồng là cùng. Đến mức đó Ngân hàng Nhà nước sẽ cho dừng lại”, ông Nghĩa nói.

Trái phiếu không còn là cứu tinh

Câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ không mua vào USD, bơm tiền đồng ra thị trường và sau đó phát hành trái phiếu (trái phiếu có thời hạn trên một năm khác với tín phiếu có thời hạn ngắn hơn) để hút tiền đồng về như đã từng làm trong những tháng đầu năm? Các chuyên gia tài chính cho rằng nếu việc mua USD và hút tiền đồng về được thực hiện nhịp nhàng thì sẽ không là mối đe dọa lớn đối với lạm phát.

Tuy nhiên, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết không thể phát hành trái phiếu, tín phiếu vào lúc này mặc dù đây là biện pháp duy nhất đối với việc điều hành vĩ mô trên thị trường ngoại hối.

“Gần 6 tỉ USD đổ vào Việt Nam là một cơ hội quá lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ đang thiếu tiền cho hàng loạt dự án phát triển. Nhưng phát hành trái phiếu ra, thu tiền về rồi giải ngân đi đâu? Một dự án ngành giáo dục bốn năm mới giải ngân được 50%, nhiều dự án khác cũng trong tình trạng để vốn phải chờ. Không có dự án để giải ngân, chẳng lẽ Bộ Tài chính ôm một mớ trái phiếu để chờ... trả lãi?”, quan chức này nói.

Một cách khác là Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền đồng về. Thế nhưng, phương thức này có nhược điểm là không có...đầu ra, Ngân hàng Nhà nước ôm tiền về rồi để đó, không được tiền đưa ra thị trường như phát hành trái phiếu. Giải quyết bài toán vốn ngoại tưởng dễ lại hóa khó, vì kênh cuối cùng là các dự án hạ tầng lại bị tắc do không kịp hấp thụ vốn đầu tư.

USD sẽ "cực yếu" trong mùa Tết

Theo lãnh đạo một ngân hàng, trong 2-3 tháng nữa giá USD sẽ tiếp tục giảm vì theo kịch bản hằng năm, hai tháng đầu năm trước và sau Tết Nguyên đán thường là "vùng trũng" của giá ngoại tệ do kiều hối đổ về nhiều.

Đầu tháng 1/2007, giá USD bán ra ở mức 16.040 đồng, cận tết (giữa tháng 2-2007) giá chỉ còn 15.977 đồng, và chỉ lên trở lại ngưỡng 16.000 đồng vào hai tuần sau đó.

"Nhiều người dân đang gửi tiết kiệm USD để "né” lạm phát. Nhưng nên nhớ chúng ta cuối cùng cũng phải đổi ra tiền đồng và dùng tiền này để mua hàng hóa trong nước, vì vậy họ vẫn chịu chi phối bởi lạm phát. Với trường hợp này, có thể họ bị thiệt hơn do mất thêm một khoản chênh lệch giá khi dùng VND để mua USD và bán USD để lấy VND chi xài. Lạm phát cao thấp chỉ là nhất thời, còn lãi suất tiền đồng cao là dài hạn. Vì vậy, việc giữ tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn là sự chọn lựa tốt hơn ở thời điểm này", một chuyên gia ngân hàng phân tích.