12:00 09/11/2011

“Khóa” số dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ cho đến 2015

Bảo Anh

Kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Quốc hội thông qua

Các đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua tổng vốn trái phiếu Chỉnh phủ cho các dự án, công trình đã phê duyệt đến năm 2015 là 225.000 tỷ đồng.
Các đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua tổng vốn trái phiếu Chỉnh phủ cho các dự án, công trình đã phê duyệt đến năm 2015 là 225.000 tỷ đồng.
Với hơn 90% số đại biểu tán thành, nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đến năm 2015 và chương trình mục tiêu quốc gia 2011 - 2015 vừa được thông qua sáng nay (9/11).

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011, kế hoạch năm 2012 và giai đoạn 2011 - 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình thảo luận, có nhiều đại biểu cho rằng, việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2003 đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, khiếm khuyết do mở rộng mục tiêu, quy mô chương trình.

Tình trạng các dự án điều chỉnh, thay đổi tổng mức đầu tư, cộng với yếu kém trong quá trình quản lý, thi công, giải phóng mặt bằng... làm tổng mức đầu tư tăng quá lớn, vượt khả năng cân đối của ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định của các đại biểu và đề nghị Quốc hội giao Chính phủ phải xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để nguồn vốn này được sử dụng hiệu quả hơn.

Cùng với đó, cơ quan này cũng kiến nghị cần phải rà soát, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các công trình. dự án đã có trong danh mục.

Liên quan đến tổng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho giai đoạn 2011 - 2015 là 225.000 tỷ đồng trong nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, con số 225.000 tỷ đồng là hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, cân đối vĩ mô còn nhiều bất ổn, huy động vốn trái phiếu Chính phủ ngày càng khó khăn.

Hơn nữa, nếu tiếp tục đáp ứng đủ nguồn vốn này cho các công trình, dự án đã được phê duyệt thì ước tính phải cần đến 405.000 tỷ đồng, tính cả trượt giá sẽ lên trên 500.000 tỷ đồng. Như vậy sẽ vượt quá khả năng huy động của nền kinh tế, không thể cân đối đủ nguồn lực, dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Trong nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội đã giao Chính phủ phải khẩn trương quyết định các giải pháp đối với các công trình, dự án thuộc diện chuyển đổi hình thức đầu tư, giãn, hoãn, không được tiếp tục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt, Quốc hội quyết nghị giao Chính phủ phải xây dựng nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để rà soát các danh mục, dự án, công trình theo nghị quyết 881 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12 và 40 dự án đã được cơ quan này cho phép bổ sung năm 2011 và chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên để trình Ủy ban này xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Quốc hội thống nhất: Chính phủ không được bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.

Ngoài ra, Chính phủ cũng không được chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hàng năm sang năm sau; căn cứ tiến độ giải ngân để huy động vốn đáp ứng nhu cầu của các công trình, dự án, không để tồn đọng vốn, sử dụng có hiệu quả số vốn đã huy động được.

Cũng trong phiên họp sáng nay, với 82% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia với 16 chương trình liên quan đến những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội như: văn hóa, giáo dục, năng lượng, bảo vệ môi trường... với tổng kinh phí đến năm 2015 không quá 276.372 tỷ đồng.