19:08 27/09/2016

Khoán xe công: “Không thể cho lái xe nghỉ việc hàng loạt”

Bạch Dương

Theo Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính, các lái xe đều là các công chức, viên chức của Bộ nên không thể cùng lúc cho nghỉ việc ngay được

Tình trạng dư thừa xe công gây lãng phí lớn.
Tình trạng dư thừa xe công gây lãng phí lớn.
Vấn đề khoán kinh phí sử dụng xe công được nhiều phóng viên đặt câu hỏi trong buổi họp báo chuyên đề về Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước được Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày nay (27/9).

Lái xe là công chức nên chưa thể cho nghỉ việc

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng cho biết, Bộ Tài chính đã quyết định áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.

"Việt khoán xe công sẽ tiết kiệm nhiều so với quy định cũ. Bộ Tài chính đi tiên phong, đi đầu trong khoán xe này. Tuy nhiên cần thận trọng, trước mắt Bộ áp dụng khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại. Rõ ràng sẽ có vấn đề phát sinh về lái xe, số lượng xe. Anh em cán bộ lái xe còn ở đó, giải tán ngay không được. Hiện đi công tác đi đâu vẫn phải bố trí xe cho các lãnh đạo đi họp”, ông Thắng nói.

Ông Ngô Chí Tùng, Phó chánh Văn phòng Bộ Tài chính lại nhìn vấn đề ở góc độ nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ lái xe và xe phục vụ. Cụ thể, việc khoán xe công sẽ giảm bớt số lượng xe chức danh, sắp xếp lại cán bộ lái xe. Tuy nhiên, đây đều là các viên chức, công chức lâu năm nên không thể một lúc cho nghỉ việc hàng loạt được.

"Chúng tôi đang có bước đi đầu tiên mang tính nội bộ thôi, muốn tiết kiệm nhiều tài sản cho Nhà nước hơn thì cần phải nhân rộng mô hình khoán xe công ra cả nước", ông Tùng nói và cho biết nếu việc này được áp dụng ở các địa phương thực hiện tốt, thì sẽ báo cáo Thủ tướng cho áp dụng rộng khắp, quản lý chặt chẽ hơn.

Theo đó, việc khoán xe công cũng phải gắn với từng địa bàn. Địa bàn nào ở trung tâm đô thị, có phương tiện công cộng phát triển tốt thì có thể khoán được. Còn nếu không thì rất khó khăn.

Hà Nội xin thêm xe công, Bộ nói vượt quy định

Ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng về việc sắp xếp xe công sau khi thực hiện rà soát theo Quyết định 32 của Chính phủ. Báo cáo nêu rõ về số lượng xe, chỗ thừa chỗ nào thiếu, định mức xe là bao nhiêu rồi sẽ có văn bản gửi từng địa phương.

Theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị tối đa 2 xe một đơn vị.

Trước đó, UBND Tp. Hà Nội đã nhiều lần đề nghị xin cơ chế tăng gấp đôi định mức xe công, tức tăng thêm 80 chiếc. Về việc này, ông Thắng khẳng định không thể được vì vượt quá quy định. "Quyết định của Thủ tướng đã quy định rõ, mỗi đơn vị chỉ như vậy. Theo quan điểm của Cục, tiêu chuẩn định mức ấy cơ bản phù hợp và khó có ngoại lệ", ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết, Hà Nội phản ánh thiếu 80 xe công nhưng trong nội bộ của Hà Nội vẫn có những nơi thừa, nơi thiếu do đó có thể sắp xếp trong nội bộ. Nếu xe quá cũ có thể bán thanh lý nộp tiền vào ngân sách, xe vẫn sử dụng được thì đưa về Bộ Tài chính để điều phối lại.

Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC Quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ôtô.

Theo đó, Bộ Tài chính áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng Bộ Tài chính, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính.

Cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Trần Xuân Hà, Trần Hữu Chi có khoảng cách di chuyển khoảng 15km, 22 ngày làm việc, mức khoán là 9,9 triệu đồng/tháng.

Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, Vũ Thị Mai có khoảng cách di chuyển 8km nên tiền khoán là 5,3 triệu đồng. Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải có khoảng cách khoảng 6km, tiền khoán là gần 4 triệu đồng một tháng.

Theo tính toán, tiền xe đưa đón cho 6 vị thứ trưởng là 44,2 triệu đồng một tháng. Quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/10/2016 đối với cả các Tổng cục trưởng trở lên dựa trên tính toán và mức khoán khác nhau của Cục Kế hoạch Tài chính.

Trước đây việc áp dụng khoán chi phí sử dụng xe công đã được áp dụng thí điểm tại một số đơn vị hành chính nhưng không thành công do mức khoán chỉ dưới 10 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 40.000 xe công, hiện dư thừa 7.000 chiếc (nhiều hơn so với quy định). Năm 2015, vẫn có hơn 600 xe công được sắm mới.