Khoảng 20% người được nhận trợ cấp xã hội đã có tài khoản
Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người được hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó 20% đã có tài khoản. Việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt sẽ đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đặc thù của các đối tượng thụ hưởng...
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và một số cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thúc đẩy việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau thời gian triển khai, đến nay 63 tỉnh, thành phố đều đã ban hành kế hoạch để thực hiện nội dung này. Trong đó, có 54/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho một số nhóm đối tượng an sinh xã hội; 6 tỉnh thí điểm thực hiện chính sách an sinh xã hội mang tính chỉ đạo chung, xây dựng quy trình, hỗ trợ kỹ thuật.
“Việc này sẽ thay đổi hoàn toàn hiệu quả chi trả, tác động đến đời sống của đối tượng hưởng chính sách an sinh”, ông Đức cho hay.
Theo ông Đức, hiện nay cả nước có khoảng 5 triệu người được hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó khoảng 20% đã có tài khoản, nhiều người trong số này có mong muốn nhận trợ cấp qua tài khoản.
Mặc dù vậy, ông Đức cũng thừa nhận việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt vẫn có một số khó khăn. Bởi phần lớn đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa; người tâm thần, khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; trẻ em mồ côi…
“Những nhóm đối tượng này hết sức yếu thế cần Nhà nước quan tâm, chăm sóc. Việc sử dụng các trang thiệt bị di động, công nghệ thông tin để làm công cụ giao dịch còn tâm lý e ngại, muốn thực hiện bằng tiền mặt”, ông Đức nói.
Mặt khác, các nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, khuyết tật còn cần thực hiện thủ tục ủy quyền cho người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nhận thay. Ngoài ra, một số nhóm đối tượng an sinh ở vùng sâu, vùng xa cũng gặp khó khăn, hạn chế vì cây ATM rút tiền chỉ đặt tại trung tâm thành phố.
Để thúc đẩy chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đặt ra nhiệm vụ trong năm 2024 tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Đặc biệt là đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu bao phủ điểm rút tiền mặt từ tài khoản đến tận cấp xã, phường, đảm bảo thuận tiện, an toàn và phù hợp với đặc thù của đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo ông Tô Đức, trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động này, trong đó, sẽ phân loại các nhóm đối tượng nhằm xác định nhóm nào có khả năng, nhu cầu để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản một cách phù hợp.
Tổ Đề án 06 cấp xã ở địa phương sẽ hướng dẫn hỗ trợ người dân tích hợp tài khoản vào VneID (ứng dụng định danh điện tử) làm cơ sở để thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp người dân đã có tài khoản tín dụng, thì sẽ được trao đổi thống nhất để ứng dụng tài khoản đó nhận chi trả trợ cấp.
Còn với các trường hợp hiện nay gặp khó như người khuyết tật dạng nặng, trẻ em mồ côi khó mở tài khoản, trước mắt các đơn vị tiếp tục thực hiện phương thức chi trả trực tiếp. Tiếp theo đó sẽ có lộ trình rà soát các nhóm đối tượng cụ thể để có phương án chi trả không dùng tiền mặt phù hợp.
Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội cho rằng, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản sẽ góp phần đảm bảo đầy đủ, quyền lợi của người dân, song không gây khó khăn cho họ.
Thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng
chính sách an sinh xã hội do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Cơ quan chức năng cũng đánh giá, việc này góp phần vào công tác phòng chống tiêu cực, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo chi trả đúng chính sách, đúng đối tượng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng trục lợi chính sách...