Khoảng cách giữa các thương hiệu trong lĩnh vực xa xỉ ngày càng lớn
Mùa báo cáo lợi nhuận lần này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xác định ai là “kẻ thắng – người thua” trong ngành hàng xa xỉ, khi giới phân tích dự đoán mức tăng trưởng doanh thu sẽ có sự phân hóa rõ rệt…

Đối với các cổ phiếu hàng xa xỉ châu Âu, mùa công bố lợi nhuận này sẽ làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn giữa những cái tên dẫn đầu và phần còn lại. Ngành công nghiệp này đã khởi đầu đầy hứa hẹn với kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Burberry Group Plc – thương hiệu nổi tiếng với sản phẩm áo trenchcoat đến từ Anh, giúp cổ phiếu của hãng tăng tới 9%.
Đồng thời, doanh số khả quan hơn dự kiến từ Richemont – chủ sở hữu thương hiệu Cartier – cũng mang lại tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, báo cáo từ các “ông lớn” như LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton SE, Kering SA và Salvatore Ferragamo SpA lại kém khả quan hơn.

Nếu doanh số của các công ty này thấp hơn cả những dự báo vốn đã không mấy lạc quan, cổ phiếu của họ có thể tiếp tục đà giảm trong năm nay – một xu hướng đã khiến vốn hóa thị trường bốc hơi tới 175 tỷ Euro (tương đương 205 tỷ USD).
Triển vọng của nhóm cổ phiếu xa xỉ được xem là yếu tố then chốt đối với đà phục hồi hiện đang chững lại của thị trường chứng khoán châu Âu, do sức nặng vốn hóa của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện phải chọn lọc kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu.
SỰ PHÂN HOÁ RÕ RỆT
Khoảng cách giữa các công ty ngành hàng xa xỉ ngày càng nới rộng, do nhiều yếu tố đan xen như nhu cầu yếu từ Trung Quốc, khác biệt trong cách công chúng nhìn nhận từng thương hiệu, đồng USD suy yếu và định giá cổ phiếu cao – tất cả đều ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp theo cách khác nhau. Mùa báo cáo lợi nhuận này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xác định ai là người vượt trội và ai tụt lại phía sau, khi giới phân tích dự báo biên độ tăng trưởng doanh thu giữa các thương hiệu sẽ rất lớn.
Một ví dụ rõ nét về sự phân hóa trong ngành là LVMH so với đối thủ đồng hương Hermès International SCA. Theo ước tính của các nhà phân tích, doanh thu từ mảng Thời trang & Đồ da – bộ phận quan trọng nhất của LVMH – được dự báo giảm 7,8% trong quý 2/2025. Tuy nhiên, thực tế, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton cho biết doanh thu tại mảng này đã giảm tới 9% theo cơ sở hữu cơ trong quý vừa qua.

Trong khi đó, Hermès – thương hiệu được xem là hình mẫu cho chiến lược phát triển bằng các sản phẩm siêu cao cấp – dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 12% tại mảng đồ da. Kết quả chính thức của Hermès sẽ được công bố vào ngày 30/7/2025.
Trong trường hợp của LVMH, cổ phiếu của tập đoàn này đã mất gần một nửa giá trị trong hai năm qua, đánh mất ngôi vị là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất châu Âu, khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về đợt sụt giảm nhu cầu chưa từng có tại Trung Quốc.
Trong khi đó, cổ phiếu của Hermès lại đứng vững trước làn sóng điều chỉnh chung của toàn ngành. Sau khi tăng 160% kể từ cuối năm 2020, cổ phiếu Hermès gần như không biến động trong năm nay, trái ngược với mức giảm 7% của rổ cổ phiếu ngành hàng xa xỉ do Goldman Sachs Group Inc. xây dựng.
NHIỀU YẾU TỐ TÁC ĐỘNG
Bối cảnh kinh tế hiện tại khiến khả năng định giá sản phẩm trở thành yếu tố then chốt, theo bà Helen Jewell, Giám đốc đầu tư khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại BlackRock Fundamental Equities. “Thách thức đối với nhà đầu tư là có những thương hiệu mà chúng tôi từng nghĩ sở hữu sức mạnh thương hiệu lớn, nhưng thực tế lại không phải vậy”, bà Helen Jewell nhận định; đồng thời, bà cho biết sẽ xuất hiện một số cơ hội mua vào sau đợt bán tháo cổ phiếu ngành xa xỉ, “nhưng bạn cần phải rất chọn lọc”.

Đối với toàn ngành, sự khác biệt giữa hiện tại và giai đoạn bùng nổ từ năm 2021 đến 2023 là rất rõ rệt — khi các nhà đầu tư từng đổ xô mua cổ phiếu hàng xa xỉ châu Âu vì hưởng lợi từ làn sóng chi tiêu mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19.
Nhưng nay, với nền kinh tế Trung Quốc trì trệ làm suy giảm nhu cầu đối với những chiếc túi xách hay đồng hồ đắt tiền, giới đầu tư đang chọn lọc kỹ càng hơn — mua cổ phiếu của những thương hiệu có khả năng chinh phục người tiêu dùng và bán tháo cổ phiếu của những thương hiệu không làm được điều đó.
Trong số những cái tên thắng thế năm nay, cổ phiếu của Burberry đã tăng hơn 30%. Thương hiệu thời trang Anh đang dần lấy lại vị thế nhờ chiến lược tái cấu trúc hiệu quả và thu hút khách hàng mới thông qua mảng sản phẩm áo khoác ngoài.

Với một số nhà đầu tư, mức định giá của ngành hàng xa xỉ vẫn bị coi là quá cao, ngay cả sau đợt lao dốc của nhiều cổ phiếu trong năm nay. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, ngành này hiện có tỷ lệ giá trên lợi nhuận dự phóng (forward P/E) trung bình là 27 — tức cao hơn khoảng 85% so với mức trung bình của thị trường chung, và vượt cả mức chênh lệch trung bình trong 10 năm qua.
“Đây là ngành hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ thuế quan và sự suy yếu của đồng USD,” ông Roland Kaloyan, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Societe Generale SA, nhận định. “Tình hình sẽ khá khó khăn, vì vậy tôi vẫn giữ quan điểm giảm tỷ trọng đầu tư vào ngành này”, ông Roland Kaloyan cho biết.