Khơi thông các điểm nghẽn logistics Đông Nam Bộ
Được đánh giá là có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển mang tầm quốc gia và quốc tế, song ngành logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều điểm nghẽn trên cả phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt, đòi hỏi cần có các giải pháp “khơi thông”...
Tại diễn đàn “Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ” mới đây, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá Đông Nam Bộ là vùng rất quan trọng với phát triển kinh tế đất nước, đóng góp rất lớn với 32% GDP và 45% ngân sách cả nước.
Tính toán sơ bộ cho thấy hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
VẪN CÒN NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp; Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp.
Theo ông Công, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển của logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn có những điểm nghẽn, như kết cấu hạ tầng về giao thông nhất là giao thông nội vùng, giao thông liên vùng chưa phát triển đồng bộ. Đặc biệt chưa có các trung tâm logistics lớn, chi phí logicstics cao, liên kết nội vùng, trong vùng, liên kết doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa chặt chẽ.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, điểm nghẽn của tỉnh hiện nay là các dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển và cả vận tải đa phương thức. Hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế. Thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho hàng hóa tổng hợp, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container, đóng gói hàng theo yêu cầu…
Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), Đông Nam Bộ là khu vực luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có hạ tầng cảng biển nhằm tạo động lực để Đông Nam Bộ phát huy thế mạnh, đảm bảo vai trò đầu tàu về kinh tế và hội nhập.
Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như hạ tầng giao thông kết nối cảng chậm được triển khai, tuyến Quốc lộ 51 hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu tiếp, rút hàng đến cảng nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, thiếu hạ tầng logistics để hỗ trợ khai thác cảng biển. Điều này làm cho giao thông thêm phức tạp, tổ chức vận tải gặp nhiều khó khăn.
Ở góc độ khác, ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng vận tải đường sắt trong vùng đang là một điểm yếu của vùng. Theo kinh nghiệm thế giới, việc gom hàng đường sắt cho đường biển rất quan trọng, thường chiếm 80% cho gom hàng biển. Nhưng vận tải đường sắt quốc gia hiện nay chỉ mới có một tuyến Bắc – Nam, chạy chung vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Các tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối đến cảng biển mới dừng ở mức nghiên cứu. Ngoài ra, chi phí xếp dỡ cũng là vấn đề hạn chế, cần nghiên cứu xem xét thay đổi cho phù hợp hơn để hấp dẫn các nhà đầu tư cảng biển về đầu tư, thu hút các “đại bàng” cảng biển về làm tổ.
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT NGÀNH, VÙNG
Nhằm thúc đẩy phát triển liên kết logistics vùng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đề xuất cần hoàn thiện chính sách hạ tầng. Trong đó nhận thức đúng đắn về vai trò logistics là ngành trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương để xác định tầm nhìn rõ ràng. Từ đó đầu tư hạ tầng kết nối tạo hệ sinh thái hỗ trợ vận chuyển tốt hơn, tăng tính liên kết đến các khu vực xung quanh như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và các quốc gia lân cận để phát huy thế mạnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần có chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp logistics phát triển.
Để tận dụng tốt lợi thế cảng nước sâu Cái Mép -Thị Vải, giúp tăng quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu và mở rộng ngành hàng, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), kiến nghị cần đảm bảo các tuyến đường giao thông kết nối vùng, đồng thời sớm hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cái Mép – Thị Vải.
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh Thông tư số 54 của Bộ Giao thông Vận tải về giá xếp dỡ tại Thị Vải - Cái Mép. Bộ Tài Chính cũng cần sớm ban hành Thông tư quy định giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển giữa các cảng Cái Mép.
Nhấn mạnh tới nhóm giải pháp liên kết ngành và liên kết vùng, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải), cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa bộ, ngành ở Trung ương như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách liên quan đến phát triển logistics, đặc biệt đối với các nội dung như tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch, thuế, hải quan…
Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa liên kết giữa các chính sách của chính quyền địa phương với các bộ, ngành. Bởi, nếu sự phối hợp giữa bộ, ngành và các địa phương không tốt sẽ có những chính sách ảnh hưởng đến mục tiêu của ngành logistics.
“Với liên kết vùng, chính sách quản lý nhà nước của các địa phương trong khu vực cần có sự đồng bộ vì lợi ích và sự phát triển chung của toàn vùng”, ông Thu đề nghị, đồng thời ủng hộ việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây sẽ là đầu mối của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn để phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi quy hoạch, chính sách liên quan đến dịch vụ vận tải, phát triển, cũng như phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.
Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
PHÁT TRIỂN KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO GẮN VỚI CẢNG BIỂN
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh rằng cần có giải pháp tăng cường thể chế liên kết vùng thông qua việc hình thành và xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển. Đây là một trong những lợi thế của các địa phương và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam