Khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang
Chiều 16/12, Cơ quan điều tra Công an Tp.HCM đã khởi tố, bắt giam ông Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM
Quá trình điều tra các vi phạm trong việc phát hành cổ phiếu tại Công ty phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Công ty Cổ phần Sadeco, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã phát hiện các dấu hiệu sai phạm liên quan của ông Tất Thành Cang – cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các dấu hiệu và hành vi vi phạm của ông Tất Thành Cang đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ngày 16/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đã ban hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Tất Thành Cang (đã được phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố).
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM đang tiến hành điều tra làm rõ vụ án.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Phạm Nhật Vinh và ông Nguyễn Hữu Thành (cổ đông tại Sadeco).
Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông nhà nước gồm: công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy Tp.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim.
Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Tất Thành Cang (ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; phó bí thư thường trực Thành ủy, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM nhiệm kỳ 2015-2020).
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang có vi phạm rất nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Ông Cang đã phê duyệt dự án 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm sai quy định; Quyết định sai thẩm quyền gây thất thoát tài sản nhà nước ở Sadeco.
Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP.HCM và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.
Riêng về vụ án ở Sadeco, ông Tất Thành Cang với tư cách là Phó Bí thư trường trực Thành ủy Tp.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ phần tại công ty con Sadeco. Tuy nhiên, việc bán cổ phần này sai so với đề án tái cơ cấu của IPC, sai quy định pháp luật, và gây thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỉ đồng.
Theo đề án tái cơ cấu thì IPC không cần giảm thêm tỉ lệ sở hữu tại công ty Sadeco. Quá trình thanh tra cho thấy IPC trình UBND Thành phố phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỉ lệ sở hữu (sai với đề án tái cơ cấu) nhưng lại được Phó Bí thư Thường trưc Thành ủy Tất Thành Cang chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Cổ đông chiến lược được chọn là công ty Nguyễn Kim với giá bán cổ phần thấp hơn giá thị trường 17.000 đồng/cổ phần.
Việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiếc lược trên sai quy định vì việc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu không thông qua đấu giá công khai. Giá cổ phần cũng không được thẩm định hợp pháp.
Thanh tra Tp. HCM kết luận đây là việc chỉ định đối tác cổ đông chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần. Việc làm này trái quy định, dẫn đến thiệt hại cho công ty Sadeco ít nhất 153 tỉ đồng như nêu trên.