09:27 23/03/2009

“Không chấp nhận cho vay đảo nợ”

Nguyễn Hoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về việc nhiều doanh nghiệp đề nghị được “vay mới, trả cũ”, mà thực chất là đảo nợ

"Chưa bao giờ có một chính sách về tiền tệ mà đích thân Thống đốc vừa đi kiểm tra, vừa tác nghiệp tại 11 tỉnh, thành trong thời gian rất ngắn như bây giờ".
"Chưa bao giờ có một chính sách về tiền tệ mà đích thân Thống đốc vừa đi kiểm tra, vừa tác nghiệp tại 11 tỉnh, thành trong thời gian rất ngắn như bây giờ".
Mặc dù Luật Tín dụng không cho phép nhưng hiện tại, các doanh nghiệp vẫn mong muốn được đảo nợ.

Ngày 20/3/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã chính thức công bố quan điểm của Ngân hàng Nhà nước xung quanh vấn đề này.

"Luật pháp nghiêm cấm triệt để hành vi đảo nợ"

Thưa Thống đốc, nhiều doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ lãi suất cũng như như không thuộc diện này đề nghị được “vay mới, trả cũ” mà thực chất là đảo nợ, nhằm bớt gánh nặng lãi cao từ các khoản vay năm ngoái. Quan điểm của Thống đốc về vấn đề này như thế nào?

Tại Thông tư 02/TT - NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định 131/CP, đã quy định rất rõ: ngân hàng thương mại phải thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư này; đảm bảo công khai, rõ ràng số tiền hỗ trợ lãi suất với khách hàng vay; từ chối các yêu cầu hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, lãnh đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất không đúng quy định; nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tôi nhắc lại, cho vay doanh nghiệp tại một ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng đó hoặc trả nợ cho một ngân hàng khác, được coi là hành vi đảo nợ.

Còn trả nợ trước hạn hoặc đến hạn trả nợ, khách hàng thanh toán nợ cũ, vay nợ mới là chuyện bình thường. Muốn vay lại, phải tuân thủ nghiêm ngặt Quy chế tín dụng 1267 với điều kiện có phương án sản xuất khả thi.

Vừa rồi, tôi có nghe nói về vấn đề đảo nợ, nhưng làm sao có thể đảo nợ nếu không có dự án sản xuất hiệu quả? Luật pháp nghiêm cấm triệt để hành vi đảo nợ trong bất luận trường hợp nào. Bởi vì, một nền kinh tế chấp nhận cho vay đảo nợ, tức là chấp nhận cách làm ăn không mang lại hiệu quả, đồng thời gây thất thoát tài sản, chưa kể gây rối ren trong công tác quản lý.

"Tư tưởng chung ở đây là hậu kiểm"

Theo ông, làm thế nào để kiểm soát chặt chẽ việc ngân hàng và doanh nghiệp thông đồng đảo nợ?

Quy chế hoạt động của ngân hàng thương mại được quy định rất chặt chẽ. Hơn nữa, điểm 2b, điều 3 của Thông tư 02 cũng giao trách nhiệm cho chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc phải thực hiện đúng thông tư và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi sai trái.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có bộ máy thanh tra để kiểm tra việc thực hiện. Chưa bao giờ có một chính sách về tiền tệ mà đích thân Thống đốc vừa đi kiểm tra, vừa tác nghiệp tại 11 tỉnh, thành trong thời gian rất ngắn như bây giờ.

Tuy nhiên, chính sách đang trong quá trình thực hiện thì cứ để cho ngân hàng và doanh nghiệp tự chủ thực hiện. Và nếu có hiện tượng bất thường thì thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại địa phương phải báo cáo thanh tra Ngân hàng Nhà nước trung ương ngay lập tức.

Tư tưởng chung ở đây là hậu kiểm và chúng tôi sẽ làm riết róng sau vài tháng nữa và cũng chỉ kiểm tra khi thấy cần thiết, chứ không làm tràn lan, gây ảnh hưởng không tốt về tâm lý khi thực hiện chính sách.

"Chẳng có chính sách nào có thể bao cấp mãi được"

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn chính sách còn “bất công” khi chỉ hỗ trợ lãi suất cho khoản vay đủ điều kiện phát sinh sau 1/2/2009 đến 31/12/2009, trong khi vốn vay trước đó vẫn có tác dụng lưu chuyển hàng hóa, tạo thu nhập cho người lao động trong năm nay. Ý kiến Thống đốc ra sao?

Không phải bất công. Chính sách bao giờ cũng có tính thời điểm, chứ làm gì có chính sách nào bao quát và đúng với mọi thời kỳ.

Trong Quyết định 131/CP đã nói rất rõ: chỉ hỗ trợ lãi suất đối với nhóm đối tượng được quy định trong quyết định này, giúp họ giảm bớt khó khăn chi phí vốn, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, giải quyết tình trạng trì trệ trong sản xuất kinh doanh.

Còn việc đầu tư mới về công nghệ hay mở rộng dự án là chuyện khác. Một số ý kiến cho rằng, cần kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho đối tượng này, đối tượng kia nhưng nếu hỏi họ lấy tiền ở đâu thì họ không biết.

Điều quan trọng là phải đưa ra được những giải pháp như nâng thuế, cắt giảm tiền lương hay cắt giảm chi tiêu công thì lại không thấy tham mưu cụ thể.

Hơn nữa, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tự mình chủ động xem xét tiết giảm chi phí đầu vào, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Chứ chẳng có chính sách nào có thể bao cấp mãi được.

"Hỗ trợ lãi suất chỉ tác động vào dư nợ ngắn hạn"

Một số ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 20/3/2009 là 151.903 tỷ đồng nhưng tại sao tốc độ tăng trưởng dư nợ trong toàn hệ thống không tăng tương ứng? Phải chăng con số này chưa chính xác?

Hiểu như vậy là sai lệch.

Số 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ tác động vào dư nợ ngắn hạn là 630 nghìn tỷ đồng, chứ không tác động làm tăng trưởng dư nợ trong toàn hệ thống.

Năm 2009, khả năng tăng trưởng dư nợ tín dụng tối đa từ 21% - 23% so với 2008, đồng nghĩa với tăng 250 nghìn tỷ đồng. Nói như vậy để thấy rằng, một nền kinh tế mà tăng trưởng tín dụng đến mức năm, sáu trăm nghìn tỷ đồng trong một thời gian ngắn là quá nóng, dẫn đến lạm phát ngay lập tức và đó là điều hết sức vô lý.

Tóm lại, cùng với chính sách thuế, xúc tiến thương mại thì gói kích cầu 17 nghìn tỷ đồng nói trên chỉ tác động vào dư nợ ngắn hạn để giảm bớt khó khăn, hạ giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh.