08:28 23/01/2009

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Tôi đã chịu rất nhiều áp lực”

Nguyễn Hoài

Chia sẻ của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu xung quanh các vấn đề về điều hành lãi suất, thanh khoản và tỷ giá

Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Từ nửa cuối năm 2007 đến hết năm 2008 là thời điểm đầy sóng gió của hoạt động điều hành chính sách tiền tệ.

Nhân dịp Xuân Kỷ Sửu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi xung quanh các vấn đề về điều hành lãi suất, thanh khoản và tỷ giá.

“Khủng hoảng tài chính sẽ còn tồi tệ hơn trong năm nay”

Thưa Thống đốc, nếu đưa ra những phác thảo sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam, ông sẽ nói gì?

Năm 2008, nền kinh tế thế giới diễn ra rất nhiều sự kiện phức tạp và khó lường. Từ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp nhà tại Mỹ đã lan rộng thành khủng khoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đẩy tình trạng nợ xấu, vỡ nợ leo thang, khiến hàng loạt ngân hàng ở Mỹ và nhiều nền kinh tế khác bị đóng cửa.

Chỉ tính riêng tại Mỹ từ đầu năm đến nay đã có 23 ngân hàng bị giải thể, đóng cửa, đẩy tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 10/2008 tăng tới 6,7%, vượt 2% so với 2007.

Sự phức tạp của cuộc khủng hoảng này không chỉ diễn ra trên phạm vi toàn cầu mà còn chạy từ thái cực này sang thái cực khác.

Nếu nửa đầu năm 2008, giá dầu, lương thực tăng trong khi chứng khoán, bất động sản giảm, lạm phát phổ biến thì cuối năm, giá dầu giảm mạnh từ mức kỷ lục 147 USD/thùng (giữa tháng 7/2008) và xuống mấp mé dưới 40 USD/thùng vào trung tuần tháng 12/2008. Kèm theo đó là giá lương thực giảm sâu hơn, thất nghiệp tăng cao, hình thành xu hướng giảm phát.

Như vậy, kinh tế thế giới đã chuyển từ áp lực lạm phát cao sang xu hướng thiểu phát và giảm phát đi liền suy thoái kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi cho rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ còn tồi tệ hơn trong năm nay.

Điều đáng lo ngại là nền kinh tế Việt Nam trong cùng một thời điểm vừa phải đối phó với tác động xấu từ bên ngoài, vừa vấp phải những khó khăn nội tại: lạm phát tăng mạnh, thâm hụt cán cân thương mại đạt mức kỷ lục, thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm.

Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, Chính phủ đã chuyển hướng ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.

Những tháng cuối năm, khi diễn biến kinh tế và lạm phát Việt Nam nằm trong xu hướng suy thoái chung của thế giới, Chính phủ đã đưa ra nhóm 5 giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả để vừa duy trì tốc độ tăng trưởng, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.

Có thể nói rằng, năm 2008 là năm mà ngành ngân hàng Việt Nam phải đối phó với những khó khăn thách thức chưa từng có trong hơn 20 năm đổi mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát đột biến vừa qua không đơn thuần do tác động bên ngoài mà phần lớn là do sự nới lỏng tiền tệ từ các năm trước. Quan điểm của Thống đốc như thế nào?

Những năm trước, do chúng ta muốn tăng trưởng kinh tế cao và buộc phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

Trong giai đoạn 2003 - 2007, ở một số nước, tăng trưởng tín dụng mỗi năm chỉ gấp 0,66 lần so với tăng trưởng GDP. Một số nước gần gũi với Việt Nam như Thái Lan hay Singapore thì chỉ số này là 1/1 (chẳng hạn, GDP tăng 7% thì tín dụng cũng tăng 7%).

Thế nhưng, ở Việt Nam chỉ trong 4 năm (2003 – 2006), chỉ số này tăng 3,85 lần, riêng năm 2007 tăng đột biến lên 6,3 lần. Dĩ nhiên, hoàn cảnh kinh tế mỗi nước mỗi khác nhưng phải thấy rằng, nếu muốn tăng trưởng cao thì phải chấp nhận như vậy.

Cuối tháng 5/2007, xuất hiện dấu hiệu lạm phát. Mặc dù lạm phát xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng bao giờ cũng có nguyên nhân tiền tệ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ 5% lên 10%).

Vì sao lúc đó lại phải tăng gấp đôi? Tại thời điểm đó, xuất hiện hai hiện tượng bong bóng: chứng khoán và bất động sản.

Cùng với việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngày 28/5/2007, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Chỉ thị 03/CT - NHNN, khống chế dư nợ cho vay chứng khoán. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo kiểm soát cho vay thị trường bất động sản.

Đến đầu tháng 8 và cuối tháng 10/2007, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành hai chỉ thị về vấn đề này. Và mặc dù đã có biện pháp chặn trước nhưng đến tháng 10/2007, CPI tăng 0,74%.

Cùng với đó, trong hai tháng 11 và 12/2007, chúng ta tăng giá xăng dầu, tăng lương và những yếu tố này đã đẩy lạm phát lên mức cao.

Và ứng xử tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là gì, thưa Thống đốc?

Trước diễn biến phức tạp này, trong 6 tháng đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã có những phản ứng chính sách kịp thời, sử dụng đồng bộ và quyết liệt về điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả và ổn định kinh tế vĩ mô.

Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt để hút tiền từ lưu thông nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường, điều hành linh hoạt tỷ giá theo tín hiệu thị trường.

Nhờ đó, từ tháng 7/2008 đến nay, nền kinh tế đã xuất hiện những tín hiệu khả quan, lạm phát được khống chế.

Tuy nhiên, nằm trong xu hướng chung của thế giới, tình hình kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ bằng các giải pháp linh hoạt để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

“Ở Việt Nam, lãi suất đã được tự do hóa”

Để ổn định thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất thị trường xoay quanh trục lãi suất cơ bản. Nhưng hiện tại, lạm phát đã được kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có nghĩ đến việc dỡ bỏ công cụ này?

Phải thấy rằng, trong giai đoạn đó, việc sử dụng công cụ lãi suất để bình ổn thị trường tiền tệ rất khó khăn, bởi lẽ, các loại lãi suất của ta gần như tự do hóa theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, ở Trung Quốc lại không thực hiện như vậy mà duy trì 2 loại lãi suất: đối với huy động, họ khống chế trần có thời điểm ở mức không quá 3,6%/năm và sau đó hạ xuống 2,5%/năm; còn lãi suất cho vay khống chế sàn không quá 10%/năm.

Họ cho rằng, làm như vậy, sẽ tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” và hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn.

Còn ở Việt Nam, lãi suất đã được tự do hóa, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành 16/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 nhằm đưa lãi suất cơ bản trở thành định hướng cho các loại lãi suất khác là việc không đơn giản. Nhưng rồi mọi việc cũng xong và chúng tôi đánh giá đó là một quyết định sáng suốt cho đến thời điểm này.

Mặc dù vẫn còn quan điểm chưa thống nhất nhưng trong hoàn cảnh nhiều biến động như hiện nay, việc thiết lập “barie” lãi suất cơ bản hầu như không ảnh hưởng đến hoạt động huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng.

Ví dụ: lãi suất cơ bản là 14%/năm, với trần quy định không vượt quá 150% lãi suất cơ bản thì về lý thuyết, các tổ chức tín dụng được phép huy động và cho vay từ 0% đến 21%/năm.

Tất nhiên, chẳng có tổ chức tín dụng nào huy động hay cho vay ở mức 0% cả và nếu có thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng “gõ cửa” ngay.

Dù vậy, tôi không cho rằng, việc quy định trần - sàn lãi suất theo lãi suất cơ bản như hiện nay là phù hợp với mọi giai đoạn. Đến một thời điểm nào đó cần thay đổi, chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp.

Trong năm 2008, tỷ giá liên tục lên xuống, trồi sụt, khiến thị trường này ít nhiều bị rối loạn. Thống đốc đưa ra lời giải thích như thế nào?

Tỷ giá là bài toán khó đối với phạm vi quốc gia, chứ không riêng với một Thống đốc ngân hàng. Ở đây, không thể không nhắc tới câu chuyện của Trung Quốc.

Trong hơn 10 năm đổi mới (1978 - 1990), họ đã chuyển từ nước nhập siêu sang xuất siêu và xuất siêu mãi cho tới bây giờ.

Về nguyên lý muốn giữ tỷ giá thì phải giữ cân đối cung cầu ngoại tệ. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào hàng loạt thành tố như cán cân thương mại, cán cân vốn (FDI, FII, vay nợ chính phủ), cán cân vãng lai, thu dịch vụ.

Muốn điều chỉnh quan hệ tỷ giá theo quan điểm nào thì cũng phải cân đối được nguồn ra nguồn vào.

Tôi đã làm việc với Giám đốc IMF phụ trách khu vực Đông Nam Á, ông này khẳng định, chính sách tỷ giá dựa trên quan hệ cung cầu và có sự điều chỉnh linh hoạt mà Việt Nam đang thực hiện là đúng đắn.

Còn vị Chủ tịch ADB cũng nói với tôi rằng: “Thống đốc đã rất may mắn khi kiểm soát được tỷ giá, nếu không thì con đường kiểm soát lạm phát còn dài thêm”.

Ông này cũng nhận định với những giải pháp điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, kết quả tích cực sẽ rơi vào tháng 11/2008 nhưng thực tế thì chúng đến sớm hơn.

Tôi cũng tiết lộ một điều là để ổn định được thị trường tỷ giá là cả một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, bởi lẽ: nhập siêu tháng 1, 2, 3/2008 tăng với tốc độ phi mã.

Nếu như trong các năm từ 1999- 2001, nhập siêu bình quân chỉ 1 tỷ USD/năm, thời kỳ 2002 – 2006, bình quân 5 tỷ USD/năm thì đến 2007, nhảy vọt lên 14 tỷ USD/năm. Nếu 2008 không quyết liệt và Ngân hàng Nhà nước không duy trì lượng ngoại hối cỡ 20,7 tỷ USD thì sẽ rất khó bình ổn được tỷ giá.

“Tôi đã chịu rất nhiều áp lực”

Cũng có không ít chê trách rằng, thời điểm quý 2/2008, mặc dù biết nhiều ngân hàng thương mại rơi vào khó khăn thanh khoản nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn không bơm vốn cho họ. Thống đốc nghĩ sao về điều này?

Tôi lại nghĩ, nếu làm thế thì quá đơn giản vì thời điểm đó, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là phải rút bớt tiền từ lưu thông về để kiềm chế lạm phát. Muốn làm được điều này, buộc Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất để hút tiền về.

Vì thế, tôi và các cộng sự trong ban lãnh đạo đã phải kiên trì, chịu rất nhiều áp lực từ phía dư luận, từ các ngân hàng thương mại cũng như quan điểm chưa thực sự thống nhất trong bộ máy.

Nhờ đó có thời điểm, Ngân hàng Nhà nước đã rút được 37 nghìn tỷ đồng tiền mặt và kết quả này được giới phân tích tài chính nước ngoài đánh giá rất cao.

2009 được coi là năm đặc biệt khó khăn và rất có thể, dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục chảy ra, Ngân hàng Nhà nước đối phó với vấn đề này ra sao?

Bây giờ là làm ăn theo thị trường, người ta đưa vốn vào được thì cũng phải để họ rút vốn ra, chứ không thể lấy hành chính để ép buộc. Chính phủ cũng tuyên bố như vậy.

Hơn nữa, khi ổn định được cung cầu ngoại tệ thì việc vào - ra trở nên hết sức bình thường. Năm 2008, doanh số ngoại tệ vào - ra khá lớn nhưng không thể gây trở ngại lớn cho hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Một bằng chứng là những tháng gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu, cổ phiếu ròng, thu hồi vốn, nhưng họ chẳng phàn nàn về việc không mua được ngoại tệ. Điều này không phải Ngân hàng Nhà nước ưu tiên, mà đó là tất nhiên.