12:53 07/03/2023

Không chỉ rút ròng ở Việt Nam, các ETF còn rút tiền khỏi Trung Quốc, Mỹ

Thu Minh

Dữ liệu phân tích từ SSI Research cho thấy, phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính giảm trong tháng 2, với việc đảo chiều rút ròng ở quỹ cổ phiếu trong khi đó mức độ giải ngân vào quỹ trái phiếu và các quỹ tiền tệ hạ nhiệt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, các dữ liệu kinh tế của Mỹ và tín hiệu của FED trong tháng 2 đã khiến cho xu hướng giải ngân vào quỹ cổ phiếu thị trường phát triển (DM) phần nào tiêu cực.

ETF RÚT KHỎI TRUNG QUỐC

Các quỹ cổ phiếu ghi nhận rút ròng 21 tỷ USD, tốc độ giải ngân từ quỹ trái phiếu và tiền tệ hạ nhiệt chỉ còn vào ròng lần lượt 26 tỷ USD và 55 tỷ USD, giảm gần một nửa so với tháng 1, khi lợi suất trái phiếu chính phủ có bước tăng khá mạnh trong tháng 2.

Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM rút ròng mạnh (- 24,8 tỷ USD), chủ yếu do dòng vốn rút ra khỏi thị trường Mỹ. Với dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ chỉ ra rằng suy thoái kinh tế có thể không sắp xảy ra, nhà đầu tư đã đánh giá lại kỳ vọng về đỉnh lãi suất, tốc độ cắt giảm lãi suất, cũng như việc lạm phát trở lại mức mục tiêu có thể lâu hơn kỳ vọng.

Với mức định giá cao, dòng vốn tiếp tục rút ròng 29,6 tỷ USD khỏi thị trường Mỹ (từ mức -8,3 tỷ USD). Dòng tiền vào EU chỉ ghi nhận vào ròng nhẹ 581 triệu USD, sau khi vào ròng hơn 3 tỷ USD trong tháng 1.

Dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) vào ròng 3,3 tỷ USD. Dòng vốn vào EM duy trì tháng vào ròng thứ 7 liên tiếp, tuy nhiên tốc độ giải ngân chậm hơn nhiều so với tháng 1.

Không chỉ rút ròng ở Việt Nam, các ETF còn rút tiền khỏi Trung Quốc, Mỹ - Ảnh 1

Đáng chú ý, dòng tiền rút khá mạnh khỏi Trung Quốc (-3,9 tỷ USD), chủ yếu đến từ nhóm ETF (-4,8 tỷ USD). Chứng khoán Trung Quốc đã giảm tới 9,9% trong tháng 2, khi căng thẳng địa chính trị leo thang đã thúc đẩy việc chốt lời sau khi đã tăng 35,5% từ mức thấp nhất trong tháng 10.

Đối với nhóm các quốc gia khác trong khu vực Châu Á, Ấn Độ (+107 triệu USD), Đài Loan (+586 triệu USD) và Việt Nam (+107 triệu USD) là 3 quốc gia ghi nhận dòng tiền ròng vào thị trường cổ phiếu.

Theo khảo sát từ BofA, các rủi ro lớn đối với dòng tiền đầu tư là rủi ro lạm phát và rủi ro về địa chính trị, trong khi đó lo ngại về suy thoái đã được giảm bớt. Tuy nhiên, việc chưa xác định được xu hướng lạm phát (từ đó tác động tới lựa chọn chính sách tiền tệ của các NHTW lớn) khiến cho việc phân bổ vào tài sản tài chính đang ở trạng thái trung lập và nghiêng nhiều về việc chờ đợi các thông số rõ ràng hơn.

Điểm tích cực về triển vọng dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu trong năm 2023 là chu kỳ chứng khoán thường đi trước chu kỳ kinh tế, và thời điểm này vẫn đang được đánh giá là giai đoạn tốt để giải ngân. Khảo sát BofA cũng cho thấy, các nhà quản lý quỹ bắt đầu nâng tỷ trọng trong việc giải ngân vào thị trường mới nổi hơn.

TRONG TUẦN GẦN ĐÂY TIẾP TỤC RÚT KHỎI MỸ, VIỆT NAM

Trong khi đó, thống kê từ Chứng khoán Yuanta cho thấy, các quỹ ETF của Mỹ tiếp tục bị rút ròng hơn 4,5 tỷ USD trong tuần vừa qua, trong đó chủ yếu đến từ việc các quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu Mỹ bị rút ròng hơn 9 tỷ USD.

Trong khi đó, các quỹ đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài tiếp tục hút ròng thêm gần 1,3 tỷ USD gấp 5.6 lần dòng tiền hút ròng của tuần trước đó.

Ở chiều ngược lại, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường trái phiếu Mỹ tiếp tục hút ròng thêm 4,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với tuần trước đó. Nguyên nhân dẫn đến đà hút ròng mạnh này đến từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt đỉnh trong tuần vừa qua, cụ thể lợi suất trái phiếu 10 năm và 2 năm lần lượt đạt 3.98% và 4.89%.

Tuy nhiên, các quỹ ETF của Mỹ đầu tư ra thị trường trái phiếu nước ngoài lại bị rút ròng 33 triệu USD. Các quỹ ETF đầu tư vào hàng hóa tiếp tục bị rút ròng thêm 1 tỷ USD, tuần trước đó rút ròng 243 triệu USD.

Không chỉ rút ròng ở Việt Nam, các ETF còn rút tiền khỏi Trung Quốc, Mỹ - Ảnh 2

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Ấn Độ dẫn đầu đà hút ròng với khoảng 887 triệu USD (+38.1 WoW); theo sau là thị trường Indonesia với dòng vốn hút ròng lần lượt là 177 triệu USD. Tại Việt Nam thị trường cổ phiếu tiếp tục bị rút ròng 42,5 triệu USD, tuần trước đó bị rút ròng 21,7 triệu USD.

Dòng vốn các quỹ ETF đầu tư ở các nước Đông Nam Á bị rút ròng ở hầu hết các quốc gia, tổng cộng các quỹ ETF đầu tư trong khu vực đã bị rút ròng 55,6 triệu USD. Trong đó, dẫn đầu là Philipines với khoảng 21,3 triệu USD bị rút ròng. Các quỹ ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam rút ròng khoảng 10,9 triệu USD.

 Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1,2 nghìn tỷ đồng, đây là tuần thứ 3 khối ngoại bán ròng liên tiếp. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng mạnh nhóm ngành Bất động sản; cụ thể hai cổ phiếu VHM và DXG bị bán ròng lần lượt là 179 tỷ VNĐ và 131 đồng.