09:52 03/06/2008

“Không có chuyện VND bị phá giá!”

Từ Nguyên

Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khẳng định đồng tiền Việt Nam (VND) ổn định, tại cuộc họp báo chiều 2/6

"Người dân cần phải tỉnh táo hơn trước những thông tin cho rằng VND sẽ có sự biến động lớn hơn và cần phải dựa vào những thông tin chính thức từ phía các cơ quan Nhà nước".
"Người dân cần phải tỉnh táo hơn trước những thông tin cho rằng VND sẽ có sự biến động lớn hơn và cần phải dựa vào những thông tin chính thức từ phía các cơ quan Nhà nước".
Lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khẳng định đồng tiền Việt Nam (VND) ổn định, tại cuộc họp báo chiều 2/6.

“Tỷ giá VND ổn định”


Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến, hiện nay chúng ta đang phải “sống chung” với nhiều luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả thông tin chính xác, khách quan lẫn thông tin thiếu khách quan, không mang tinh thiện chí, gây thất thiệt cho nền kinh tế.

Ông Tiến nói, hiện có một số dự báo của các tổ chức kinh tế nước ngoài về khả năng mất giá của VND trong thời gian tới, song xét cho cùng thì cũng là điều bình thường vì đó cũng chỉ là dự báo. Còn thông tin VND bị phá giá thì theo ông là hoàn toàn không có vì chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam là điều hành theo cơ chế thị trường, dựa trên quan hệ thương mại với các đồng tiền và chính sách kinh tế vĩ mô.

Chính vì vậy, nếu điều kiện thị trường đến một thời điểm nào đấy cần thiết để VND bị mất giá thì khi đó VND có thể bị mất giá hoặc ngược lại, chứ hoàn toàn không có sự áp đặt mang tính chủ quan trong điều hành tỷ giá.

Theo ông Tiến, đến thời điểm này, chủ trương của Chính phủ là ổn định tỷ giá VND và giữ cho VND không biến động quá 2% so với năm 2007. Và một đồng tiền có bị mất giá hay không nó còn phụ thuộc vào khả năng dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế. Và lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm trước đó, và mấy tháng đầu năm 2008 tỷ lệ đó vẫn được bảo toàn và tăng lên chứ không có chuyện suy giảm.

“Đó chính là cơ sở quan trọng nhất để minh chứng cho việc chúng ta vẫn đang giữ vững và ổn định được tỷ giá của VND”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông, tỷ giá của mỗi đồng tiền còn phụ thuộc vào cán cân thanh toán và mặc dù trên thực tế, chúng ta đang bị thâm hụt thương mại và Chính phủ cũng đang nỗ lực để điều chỉnh. Tuy nhiên, tổng thể cán cân thanh toán còn được bù đắp bằng những nguồn vốn khác. Do đó, đến thời điểm này, tổng thể cán cân thanh toán của Việt Nam được dự báo là vẫn thặng dư.

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng trích dẫn ý kiến của các chuyên gia về thị trường vốn cho rằng, thị trường vốn Việt Nam từ năm 2007 đến nay có rất nhiều biến động và đang trong giai đoạn điều chỉnh. Trong quá trình này, dù vẫn có một số tổ chức, cá nhân các nhà đầu tư có được lợi nhuận, song phần lớn vẫn là thua lỗ. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các cá nhân tổ chức đầu tư tài sản, tiền tệ cần phải tỉnh táo trước khi ra quyết định đầu tư.

Vì thế, theo ông Tiến, người dân cần phải tỉnh táo hơn trước những thông tin cho rằng VND sẽ có sự biến động lớn hơn và cần phải dựa vào những thông tin chính thức từ phía các cơ quan nhà nước.

“Kịch bản” giá sau tháng 6?

Liên quan đến những lo ngại về những bất ổn của nền kinh tế cũng như việc hình thành đợt tăng giá và một mặt bằng giá mới từ sau tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, mặc dù nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại như giá tiêu dùng vẫn cao, giá lương thực biến động, nhập siêu cao, giải ngân chậm… nhưng tình hình kinh tế tháng 5 vẫn đang có đà tăng trưởng khá và đạt nhiều tiến bộ.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2007, kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5.100 triệu USD, tăng 3% so với tháng 4/2008, thu ngân sách 5 tháng đạt 46,1% kế hoạch... là những tín hiệu tốt để cả nước tiếp tục phấn đấu duy trì đà tăng trưởng.

Vì vậy, trong bối cảnh lạm phát tác động đến 2/3 dân số thế giới thì những nỗ lực và kết quả Việt Nam đạt được trong tháng 5 và năm tháng đầu năm nay là đáng khích lệ và hoàn toàn chấp nhận được. Điếu đó cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang có sự ổn định và phát triển nhất định, trái với những thông tin thất thiệt về kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Về phương án tăng giá sau thời điểm 30/6, lãnh đạo Bộ Tài chính nói bộ này đang xem xét, nghiên cứu các phương án giá để làm sao có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Cụ thể là các phương án giá sau tháng 6 phải được được nghiên cứu, xem xét, theo hướng hạn chế thấp nhất khó khăn cho người tiêu dùng, nhà sản xuất và tính toán đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng khẳng định, những thông tin về các mặt hàng đồng loạt tăng giá sau 30/6 là hoàn toàn không có cơ sở. Đồng thời, rút kinh nghiệm cơn sốt gạo vừa qua, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng văn bản pháp quy nhằm xử lý nghiêm khắc những trường hợp đầu cơ, tuyên truyền tăng giá bất hợp lý để trục lợi.