Không có kiến trúc chuẩn sẽ khó xây dựng thành phố thông minh
Theo Phó tổng giám đốc MobiFone, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có tiêu chuẩn cho thành phố thông minh
"Nếu chưa có kiến trúc chuẩn cho thành phố thông minh sẽ rất khó để các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thành phố thông minh vì nguy cơ rủi ro là rất lớn cho các doanh nghiệp thực hiện".
Quan điểm được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone, đưa ra tại Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh (Smart Industry World 2017) với chủ đề "Định hình và Phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai", do Ban Kinh tế Trung ương cùng Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo Phó tổng giám đốc MobiFone, nhà mạng này cũng đã nghiên cứu mô hình thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, các công nghệ thông minh sẽ hỗ trợ cho cuộc sống của những cư dân trong thành phố. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, dưới góc nhìn của MobiFone, phương pháp tiếp cận công nghiệp 4.0 của một doanh nghiệp kinh doanh đa dịch vụ - tầm quan trọng của chuẩn hoá và kết nối dữ liệu trong việc xây dựng thành phố thông minh.
"Nói về cuộc cách mạng công nghệp 4.0, ai cũng biết các yếu tố quan trong của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data (dữ liệu lớn) và IoT (Internet kết nối vạn vật). Thành phố thông minh sẽ là thành quả từ sự phát triển công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để các giải pháp xây dựng thành phố thông minh thật sự thông minh thì cần phải chuẩn hoá và kết nối cơ sở dữ liệu và sử dụng AI và phân tích dữ liệu BIG Data" ông Hùng nói.
Theo ông, các dữ liệu quốc gia nếu để rời rạc sẽ làm mất đi mối quan hệ của dữ liệu do đó làm giảm đáng kể ý nghĩa của phân tích dữ liệu BIG Data. Các hệ thống có thêm phần trí tuệ nhân tạo nếu có nhiều dữ liệu đầu vào kết nối với nhau thì sẽ nâng cao khả năng tự làm giầu thêm kiến thức xử lý của hệ thống qua đó làm cho hệ thống sẽ thông minh hơn. Đại diện MobiFone cũng khẳng định, việc liên kết và phân tích dữ liệu này sẽ tạo ra nhiều dịch vụ mới phục vụ cho người dân được tốt hơn.
Bên cạnh đó việc chuẩn hoá các cơ sở dữ liệu thành phần, cùng với giải pháp đám mây hoá dịch vụ sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, giảm thời gian chuyển đổi và thuận lợi hơn nhiều khi thực hiện việc chuyển dịch mô hình quản trị và kinh doanh trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.
Cho rằng thành phố thông minh sẽ quản lý ô nhiễm không khí, trang trại, tầu thuyền, rác thải, âm thanh, chiếu sáng, giao thông,…, theo Phó tổng giám đốc MobiFone, tất cả những yếu tố này đòi hỏi phải có tiêu chuẩn bởi đây là những điều kiện ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân trong thành phố đó.
5 vấn đề lớn cho thành phố thông minh theo tiêu chuẩn tích hợp, gồm: hạ tầng, băng tần, bản quyền, bảo vệ dữ liệu, an ninh bảo mật. Theo đó, cần có chuẩn băng tần để kết nối Internet vạn vật trong thành phố thông minh. Hiện nay trên thế giới chưa có chuẩn kết nối cho thành phố thông minh.
Vấn đề bản vệ dữ liệu cá nhân cũng cần được đặt ra vì đây sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân trong thành phố thông minh. Cuối cùng là vấn đề an ninh bảo mật, khi kết nối đến hàng tỷ các thiết bị Internet vạn vật thì vấn đề này cần phải đặt ra một cách nghiêm túc.
Theo ông Hùng, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có tiêu chuẩn cho thành phố thông minh, vì nếu chưa có kiến trúc chuẩn cho thành phố thông minh sẽ rất khó để cho các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thành phố thông minh vì nguy cơ rủi ro là rất lớn cho các doanh nghiệp thực hiện.
"Cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và không nhất thiết các doanh nghiệp cùng làm một việc", vị này nói đồng thời cho rằng, MobiFone đóng vai trò làm hạ tầng phục vụ cho nhiều doanh nghiệp làm ứng dụng cho thành phố thông minh. Cách mạng 4.0 là cơ hội tốt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp cần hợp tác để làm ra nhiều sản phẩm mới. Các doanh nghiệp trên nền tảng viễn thông có nhiều cơ hội tạo ra các dịch vụ cho riêng mình. MobiFone sẽ là doanh nghiệp hạ tầng để tạo ra hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển tạo ra nhiều dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Phan Tâm, cho biết, đến nay, Bộ đã dự thảo nội dung hướng dẫn các nguyên tắc, định hướng về xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam và đang lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành.
Theo Thứ trưởng Tâm, về cơ bản nội dung hướng dẫn được xây dựng trên các khuyến nghị vê xây dựng đô thị thông minh dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với những nghiên cứu, triển khai bước đầu về đô thị thông minh ở Việt Nam của một số địa phương, doanh nghiệp.