Không để xảy ra tình trạng chi lương hưu cho người đã mất
Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị các đơn vị chức năng rà soát, nắm bắt rõ đối tượng thụ hưởng, bảo đảm việc chi lương hưu, trợ cấp hằng tháng đúng đối tượng; không để xảy ra tình trạng chi lương hưu cho người đã mất...
Đây là một trong những yêu cầu của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội về tăng cường công tác quản lý người hưởng đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng người hưởng, đúng mức hưởng và đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản về chấn chỉnh công tác chi trả, quản lý người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, rà soát hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục, đặc biệt còn tình trạng báo giảm người hưởng chậm dẫn đến phải thu hồi số tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa cơ quan Bưu điện và một số Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã chưa chặt chẽ, chưa chủ động kiểm tra rà soát.
Để khắc phục tình trạng này, Bảo hiểm xã hội Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý người hưởng đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng người hưởng, đúng mức hưởng và đúng quy định của pháp luật.
Đối với kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 1, tháng 2/2024, cần tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm chi trả đảm bảo người hưởng được phục vụ kịp thời, đầy đủ, chu đáo trong dịp Tết Nguyên đán và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Bảo hiểm xã hội các huyện định kỳ, phối hợp với cơ quan Bưu điện tổ chức tiến hành xác minh các trường hợp người hưởng cao tuổi từ 80 trở lên.
Đối với trường hợp người hưởng chậm lĩnh: Hằng tháng, Bảo hiểm xã hội huyện căn cứ Danh sách chưa nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do Bưu điện huyện chuyển đến, để lọc dữ liệu các trường hợp người hưởng có số tháng chưa nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.
Từ đó, phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Bưu điện thực hiện xác minh tình trạng người hưởng.
Trường hợp người hưởng đã chết, thực hiện báo giảm hưởng chế độ và thu hồi số tiền đã hưởng không đúng quy định.
Với trường hợp không liên hệ được với người hưởng thì cần có các biện pháp cụ thể để liên hệ với người hưởng như: Tra cứu dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu khám chữa bệnh để xác định tình trạng, thông tin liên hệ của người hưởng hoặc thân nhân người hưởng.
Đồng thời, phối hợp với thân nhân của người hưởng, công an, chính quyền địa phương nơi cư trú, hệ thống Bưu điện…, để phối hợp thu thập thông tin người hưởng.
Đối với trường hợp người hưởng ủy quyền cho người khác lĩnh thay thì các thông tin cần theo dõi, quản lý như: Tình trạng sức khỏe, thông tin liên hệ của người ủy quyền, người được ủy quyền, lý do ủy quyền (nếu có).
Định kỳ hằng quý, trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan Bưu điện kiểm tra, xác thực thông tin ủy quyền đối với các trường hợp người ủy quyền là người cao tuổi, ốm đau, bệnh nặng; người ủy quyền cho người khác lĩnh thay có thời gian ủy quyền kéo dài.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với cơ quan Bưu điện rà soát, thu thập thông tin Căn cước công dân 12 số, thông tin liên hệ (nơi cư trú, số điện thoại…); cập nhật vào phần mềm quản lý để đảm bảo công tác quản lý người hưởng được chặt chẽ và thực hiện các thủ tục hành chính liên thông, bổ sung thông tin người hưởng kịp thời.
Cùng với đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần xác minh người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc nắm rõ thông tin về người thụ hưởng chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nhằm bảo đảm nguồn quỹ chi đúng người, đối tượng; không để xảy ra tình trạng chi lương hưu cho người đã mất.