09:45 29/10/2012

“Không nên vội bán vàng thương hiệu ngoài SJC”

Trang Anh

Thay vì vội vàng mang vàng miếng thương hiệu khác đi bán, người dân hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa để tránh bị ép giá

Vàng miếng SJC sắp tới sẽ được thay thế bằng thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nướ.<br>
Vàng miếng SJC sắp tới sẽ được thay thế bằng thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nướ.<br>
Thay vì vội vàng mang vàng miếng thương hiệu khác đi bán, người dân hãy chờ đợi thêm một thời gian nữa để tránh bị ép giá.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa ra khuyến cáo như vậy, trước tình trạng không ít người dân đổ xô nhau đi bán lượng vàng miếng mang thương hiệu khác, không phải SJC, và bị người mua ép giá vì những thông tin không chính xác.

Theo ông Huy, Thông tư 12/2012/TT-NHNN quy định rõ, thay vì cho phép các tổ chức tín dụng đứng ra mua vàng, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát triển.

Ông nói, từ năm 2000, các tổ chức tín dụng đã được phép huy động vàng, cho vay vàng, chuyển đổi 30% số vàng huy động được thành tiền đồng để lưu hành trong nền kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng đột biến. So với thời điểm 2008, giá vàng hiện nay đã tăng hơn 300%.

Với thực tế này, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, không ít tổ chức tín dụng đang đứng trước rủi ro lớn vì trước đây, nhiều tổ chức tín dụng cho vay vàng chủ  yếu là để mua nhà, bất động sản… Nhưng khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, hoạt động này đã dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả người dân và tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định coi thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng của Nhà nước, doanh nghiệp  này chỉ còn được hoạt động ở 2 mảng: sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và gia công vàng miếng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Trước thông tin các thương hiệu vàng miếng khác sẽ bị cấm lưu thông, đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định “các thương hiệu vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường”.

Theo ông Huy, thực tế tâm lý người dân hiện nay là muốn nhanh chóng chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Tuy nhiên, theo ông Huy, để tránh bị ép giá, người dân bình tĩnh,không nhất thiết phải bán vội vàng miếng thương hiệu khác mà hãy chờ đợi một thời gian để Ngân hàng Nhà nước cho phép và tổ chức chuyển đổi vàng miếng thương hiệu khác sang vàng SJC.

Trong khi đó, trả lời báo giới về đề án huy động vàng trong dân như thế nào, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, từ lâu người dân có thói quen giữ vàng. Nếu để lượng vàng này trong dân quá lâu, sẽ rất lãng phí.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để huy động nguồn vốn này ở trong dân, và việc Ngân hàng Nhà nước chuyển đổi quan hệ từ huy động vay mượn, sang mua bán là nằm trong lộ trình đó.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đam, bất kỳ một chính sách nào của Chính phủ, nhất là trong tiền tệ sẽ có tác động nhiều mặt, trong đó sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận nhất định.

“Vàng trong nước đắt hơn thế giới thì ai được lợi, ai thiệt thòi. Tất nhiên là người dân có vàng sẽ được lợi. Còn người đi mua vàng sẽ thiệt. Còn tổ chức tín dụng nào đi huy động vàng trước đây, giờ đi mua vàng để trả cũng phải chịu thiệt... nhưng về cơ bản, số đông những người dân nếu có vàng thì bán ra sẽ được lợi”, Bộ trưởng nói.

Người phát ngôn Chính phủ cho hay, hiện Chính phủ cũng đã quyết định, tiến tới thương hiệu SJC sẽ thuộc về Ngân hàng Nhà nước, tức là độc quyền Nhà nước chứ không độc quyền doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp để làm rõ vấn đề này.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, theo phản ánh của báo chí, một bộ phận nhân dân nghe thông tin đã mang đi dập lại vàng, hoặc có vàng giả SJC là do thông tin của cơ quan quản lý chưa được cụ thể, rõ ràng, minh bạch để người dân yên tâm và hiểu rằng, vàng nắm trong tay không việc gì phải vội vàng đi dập lại, vì vàng vẫn là vàng.  Hiện giờ các công ty lớn đang có nhu cầu chuyển đổi với khối lượng cũng khoảng 14 tấn vàng.

“Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải thông tin hiểu rõ, thậm chí hôm nay Thủ tướng đã yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nếu cần thiết phải lên truyền hình, báo chí để giải thích rõ cho dân, tránh hiểu sai vấn đề”, ông Đam nói.

Liên quan đến vấn đề vàng giả, Bộ trưởng Đam cho biết, thông thường khi có một hàng hóa nào đấy được nhiều người quan tâm mua bán thì bao giờ cũng có một bộ phận trục lợi trái phép bằng cách làm giả. Do vậy, phải làm rõ cho dân hiểu đúng, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.