10:38 29/12/2016

“Không phải can thiệp nhiều nhưng tỷ giá vẫn ổn định”

Bảo Quyên

Thủ tướng đánh giá và lưu ý một số điểm trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.<br>
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.<br>
“Trong năm tới, trong điều hành chính sách tiền tệ quan trọng nhất vẫn là phải giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam. Chứ nếu chú trọng quá vào việc cấp vốn cho tăng trưởng cũng sẽ có những mặt trái không lường trước được”.

Cảnh báo trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sau phần phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ sáng 29/12.

Báo cáo về công tác điều hành lĩnh vực ngân hàng trong năm 2016, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, trong năm qua ngành ngân hàng đã đạt được khá nhiều kết quả khích lệ, đặc biệt là trong điều hành tiền tệ và tỷ giá.

Theo Thống đốc, ngay từ đầu năm ngành ngân hàng đã phải đứng trước áp lực rất lớn trong điều hành lãi suất, bởi mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội, Chính phủ đề ra khá cao, nhu vốn đầu tư tăng mạnh, phát hành trái phiếu Chính phủ lớn và dài hơn…Chính những điều này đã tạo áp lực lên lãi suất.

Tuy nhiên, thay vì phải tăng lãi suất, đến cuối năm 2016, bình quân lãi suất cho vay giảm 0,5 - 1%. “Đây là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành trong điều hành”, ông Hưng nhìn nhận.

Về điều hành tỷ giá, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng “tự nhận” là có khá nhiều thành quả. Cụ thể, thị trường ngoại tệ, tỷ giá trong suốt năm qua đã khá ổn định, tạo được lòng tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam.

Theo ông Hưng, các diễn biến bất thường của thế giới, dù tác động mạnh đến nhiều nước nhưng đồng tiền Việt Nam vẫn ổn định, thị trường ngoại tệ, tỷ giá, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định…

“Cho đến thời điểm này, đồng tiền Việt Nam mất giá khoảng 1,1 - 1,2%, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường vẫn rất ổn định”, Thống đốc thông tin.

Ngoài ra, theo ông Hưng, nếu bình thường như năm trước thì Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp vào thị trường ngoại tệ rất mạnh để giữ ổn định tỷ giá, nhưng năm nay không phải can thiệp nhiều nhưng thị trường vẫn ổn định, thanh khoản đảm bảo.

Tăng trưởng tín dụng đúng định hướng đề ra với kết quả là 18,5% cho cả năm, lại dàn đều qua các tháng. Cơ cấu tín dụng có chuyển biến tích cực, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ cho nền kinh tế như nông nghiệp, xuất khẩu, kiểm soát chặt các lĩnh vực rủi ro.

Cùng với đó, công cuộc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng cũng có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng vẫn còn những tồn tại trong những năm qua. Trong đó đáng kể là cơ cấu tín dụng vẫn còn những rủi ro, có những phân khúc phải kiểm soát chặt chẽ hơn như bất động sản, tài chính…

Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu vẫn còn nhiều thách thức, khuôn khổ pháp lý cần phải hoàn thiện hơn.

Nói về những định hướng trong năm tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng năm 2017 kinh tế thế giới được dự báo có tăng trưởng nhưng vẫn bấp bênh, chính sách các nước khá khác nhau có thể tác động đến chính sách của Việt Nam.

Do đó, điều hành chính sách tiền tệ trong năm tới phải cẩn trọng, nhưng linh hoạt mới có thể hài hòa được các mục tiêu.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước dự kiến trong năm 2017 sẽ chịu áp lực tăng lãi suất do mục tiêu tăng trưởng GDP khá cao.

Tuy nhiên, với chỉ đạo của Thủ tướng, ngành ngân hàng vẫn phải cố gắng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung dài hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.

Bình luận về phát biểu của Thống đốc Lê Minh Hưng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác điều hành tiền tệ trong năm qua tương đối tốt, không có cú sốc nào lớn trước những biến động của thế giới, tăng trưởng tín dụng tốt.

“Đồng chí Lê Minh Hưng là bộ trưởng trẻ nhất trong Chính phủ, sinh năm 1970 nhưng đồng chí điều hành khá tốt”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, trong điều hành chính sách tiền tệ năm tới vẫn phải bám sát mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam ở mức cao nhất, tốt nhất.

“Hiện nay chúng ta có 5 triệu tỷ tín dụng của nền kinh tế, 2,3 triệu tỷ nợ công, nếu mải chạy theo tăng trưởng tín dụng, cấp vốn đầu tư, rồi kể cả gọi vốn vào cho nền kinh tế thì không cẩn thận thì tiền của kẻ xấu cũng vào theo”, Thủ tướng lưu ý.

Về triển khai các gói tín dụng có ưu đãi của Chính phủ, Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế để nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia để chống tình trạng độc quyền.