17:02 27/12/2022

Không thể đơn lẻ thúc đẩy kinh doanh liêm chính

Song Hà

Dù tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thời gian qua có giảm nhưng chưa đáng kể. Công cuộc xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn tại Việt Nam vẫn cần được đẩy mạnh thông qua sự tham gia của nhiều bên...

Dù tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thời gian qua có giảm nhưng chưa đáng kể.
Dù tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thời gian qua có giảm nhưng chưa đáng kể.

Tại hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” mới đây, ông Tomas Kvedaras, Chuyên gia dự án, Mạng lưới Liêm chính tư pháp tại ASEAN, nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang cải thiện điểm số về Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) và Chỉ số Pháp quyền của dự án Tư pháp thế giới (WJP).

TỶ LỆ DOANH NGHIỆP PHẢI TRẢ CHI PHÍ KHÔNG CHÍNH THỨC GIẢM MẠNH

Năm 2021, thứ hạng về Chỉ số Nhận thức tham nhũng của Việt Nam đã tăng 26 bậc lên vị trí 87 với số điểm 39 (năm 2017). Đối với xếp hạng Chỉ số Pháp quyền của WJP, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi thăng hạng ở vị trí 88.

Đặc biệt trong thập kỷ qua, 113 quốc gia trên thế giới không có tiến bộ nào trong phòng chống tham nhũng và Việt Nam không nằm trong số đó. Việt Nam là một trong số các quốc gia có sự tăng trưởng trong phòng chống tham nhũng, Việt Nam đã nỗ lực nhiều trong chống lại tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SdforB), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện cho thấy, các hoạt động phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây đã đem lại những kết quả tích cực.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung trong điều tra PCI 2021 giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%).

Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian khi mà tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,1%).

Tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Đơn cử, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 57,4% trong năm 2021, cao hơn con số 54,1% của năm 2019-2020.

Quang cảnh hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh
công bằng tại Việt Nam”.

Khảo sát về hiện trạng thực hiện kinh doanh liêm chính của 30 công ty niêm yết tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dựa theo Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII), TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và Nhà kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển thông tin, kết quả khảo sát chỉ rõ, cam kết từ lãnh đạo cấp cao về vấn đề này khá tốt (80%), nhưng từ cam kết để đi vào thực tế đến đâu mới là quan trọng.

Cam kết cao nhưng không có nguồn lực, đây là khoảng cách. Cụ thể, các doanh nghiệp có giám đốc quản lý cấp cao hoặc các phòng ban chuyên trách về liêm chính rất ít (57%); thông điệp cho nhân viên về kinh doanh liêm chính cũng chưa rõ ràng.

Về vấn đề đào tạo, số người cho rằng được đào tạo về kinh doanh liêm chính chưa cao (56%). Trong nội dung đào tạo, chống tham nhũng được quan tâm nhưng vấn đề về tính đa dạng và hoà nhập lại ít được chú ý.

Một điểm nổi bật nữa của khảo sát, 83,3% người được hỏi cho biết công ty có Bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp. Trong đó, quy tắc về chống tham nhũng được nhấn mạnh, nhưng còn các quy tắc khác như tính bền vững, quyền con người, đạo đức… lại rất mờ nhạt.

Điều đáng quan ngại, bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp lại không được phổ biến tới tất cả các đối tác kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tới các bên thứ ba. 83% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ thường xuyên truyền thông nội bộ về vấn đề kinh doanh liêm chính. “Liêm chính một mình đi ngược với tinh thần hành động tập thể trong thực hiện kinh doanh liêm chính”, ông Nguyễn Ngọc Anh nhận định.

Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy, nguồn lực cam kết trong thực hành kinh doanh liêm chính kể cả với doanh nghiệp lớn chưa được đầu tư thực sự thoả đáng. Hay vấn đề về các hệ thống quản lý như tiêu chuẩn ISO hoặc các hệ thống tương đương nhiều doanh nghiệp làm xong để đấy, làm để có… thì không có ý nghĩa, hoặc vấn đề tuân thủ trong nội bộ của công ty… Đây là những điểm mà nhóm doanh nghiệp này cần phải cải thiện.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cũng lưu ý, 30 doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp lớn, có nguồn lực, nên số điểm chưa đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam. Song, kết quả khảo sát với nhóm doanh nghiệp này cho thấy, bên cạnh những khía cạnh tốt thì vẫn còn nhiều điểm cần được cải thiện.

CẦN SỰ CHUNG TAY VÀ HÀNH ĐỘNG TẬP THỂ

Để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ông Nguyễn Tiến Huy cho rằng ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định.

“Hành động tập thể giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, tạo ra những tác động có tính lan tỏa cao hơn, giúp thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi mang tính hệ thống hướng tới kinh doanh liêm chính, minh bạch”, ông Huy nhận định.

Mặt khác, theo ông Huy, chống tham nhũng và kinh doanh liêm chính không phải chỉ của doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp niêm yết mà của cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Với doanh nghiệp nhỏ không chỉ quan tâm phòng chống tham nhũng, chi phí không chính thức mà còn phải đáp ứng được yêu cầu về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường… để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Những nhà mua lớn họ đều yêu cầu doanh nghiệp cung ứng nhỏ cũng phải tuân thủ một loạt các tiêu chí khác nhau về phát triển bền vững.

 

“Các công ty toàn cầu khi quyết định địa điểm đầu tư sẽ xem xét tình trạng tôn trọng ở các quốc gia đối với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và tuân thủ pháp luật”.

Ông Tomas Kvedaras, Chuyên gia dự án, Mạng lưới Liêm chính tư pháp tại ASEAN

Đồng tình, bà Đinh Thị Bích Xuân, Phó Giám đốc SdforB, nêu quan điểm Việt Nam đã tham gia ký kết thành công 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó các điều khoản về minh bạch, nguồn gốc xuất xứ hay tuân thủ, thậm chí là kinh doanh có trách nhiệm rất được đề cao và chú trọng.

Một trong những điều kiện tiên quyết do các nhãn hàng đưa ra là cam kết kinh doanh có trách nhiệm. Nếu không đạt được điều này thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội kinh doanh. Lúc này kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường khó tính. Vì thế, cần tạo lập liên minh liên kết trong kinh doanh liên chính, tạo sân chơi cho mọi thành phần doanh nghiệp làm ăn liêm chính.

Đưa ra giải pháp kinh doanh liêm chính cho doanh nghiệp, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, khuyến nghị cần xây dựng và phát triển các chương trình tuân thủ và liêm chính nội bộ cho doanh nghiệp. Đánh giá sức khỏe con người chúng ta dựa trên các chỉ số, thì việc tiến hành đánh giá tính liêm chính trong kinh doanh của doanh nghiệp cũng cần dựa trên Bộ chỉ số kinh doanh liêm chính (VBII).

Chỉ số VBII của Việt Nam là một công cụ nếu được các doanh nghiệp sử dụng một cách trung thực và minh bạch, sẽ góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của đất nước; tạo dựng niềm tin dựa trên dữ liệu và thông tin, thu hút đầu tư, tạo ra của cải và cải thiện cuộc sống cho người dân...

Mặt khác, ông Bình nhấn mạnh: “Để đi nhanh, chúng ta có thể đi một mình, nhưng để đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau. Chúng ta cần chung tay, cùng hành động xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng vì tương lai và sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp”.

Theo ông Tomas Kvedaras, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thừa nhận những thách thức về liêm chính trong kinh doanh. Đây cũng là một trong số ít các quốc gia mà Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp để cải thiện các tiêu chuẩn với kết quả rõ ràng.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thúc đẩy sự liêm chính trong kinh doanh một cách đơn độc. Nó là một phần không thể thiếu của hành vi kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, sự liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện.

“Tính liêm chính được tôn trọng bởi người lao động, chuỗi cung ứng, cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan. Bản thân các doanh nghiệp cần cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Các công ty toàn cầu khi quyết định địa điểm đầu tư sẽ xem xét tình trạng tôn trọng ở các quốc gia đối với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và tuân thủ pháp luật”, ông Tomas Kvedaras nói.