19:02 26/07/2007

Khớp lệnh liên tục: Đã sẵn sàng, nhưng... vẫn lo!

Nhiều công ty chứng khoán dường như vẫn chưa hoàn toàn tự tin, không dám khẳng định sẽ không có những trục trặc phát sinh

Hiện tại, HoSTC đã hỗ trợ các công ty chứng khoán cài đặt phần mềm xem kết quả tức thời giao dịch truyền ra từ HoSTC - Ảnh: Mạnh Thắng.
Hiện tại, HoSTC đã hỗ trợ các công ty chứng khoán cài đặt phần mềm xem kết quả tức thời giao dịch truyền ra từ HoSTC - Ảnh: Mạnh Thắng.
Sau ba lần tạm hoãn, lần thứ tư Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSTC) lại thông báo sẽ áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục, chính thức kể từ ngày 30/7 tới.

HoSTC thông báo có vẻ chắc chắn, bởi trước đó đợt tập dượt diễn ra khá trơn tru, đồng thời 48 công ty chứng khoán thành viên đều cam kết đã sẵn sàng cho việc áp dụng này.

Ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc HoSTC, cho biết trong suốt thời gian vừa qua trung tâm đã cùng với các công ty thành viên chuẩn bị cũng như chạy thử phương thức khớp lệnh mới. “Mọi việc khi thử nghiệm đều đã ổn nên Ủy ban Chứng khoán đã cho phép trung tâm thực hiện khớp lệnh liên tục”, ông nói. 

Nhiều công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty mới thành lập, tuy đã cam kết với HoSTC về mức độ sẵn sàng, nhưng dường như vẫn chưa hoàn toàn tự tin, không dám khẳng định sẽ không có những trục trặc phát sinh.

Giám đốc một công ty chứng khoán nói áp lực lớn nhất là không có thời gian nghỉ giữa các đợt khớp lệnh trong khi các giao dịch viên phải thông tin tức thời về kết quả khớp lệnh cho nhà đầu tư để họ tính toán các lệnh đặt tiếp theo.

Trước đây, giao dịch viên của các công ty chứng khoán có thời gian nửa tiếng đồng hồ giữa các đợt khớp lệnh (một phiên giao dịch có ba đợt khớp lệnh) để thông báo cho nhà đầu tư biết kết quả từ trong sàn HoSTC truyền ra, còn sắp tới các giao dịch viên chỉ được thao tác trong vài phút và phải thông báo kết quả ngay cho nhà đầu tư.

Hiện tại, HoSTC đã hỗ trợ các công ty chứng khoán cài đặt phần mềm xem kết quả tức thời giao dịch truyền ra từ HoSTC. Với phần mềm này, các công ty chứng khoán có thể đáp ứng yêu cầu thông tin cho nhà đầu tư, tuy nhiên, theo vị giám đốc này, tình huống trở ngại có thể phát sinh nếu việc truyền kết quả giao dịch từ HoSTC ra các công ty chứng khoán gặp trục trặc.

Mặt khác, dù đã nâng cấp tự động hóa nhưng hiện vẫn có nhiều thao tác phải xử lý thủ công, công ty chứng khoán phải bố trí thêm người để trả lời trực tiếp cho nhà đầu tư trong thời gian diễn ra giao dịch.

Tương tự, lãnh đạo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL cho biết đã đặt ra các tình huống cụ thể để chạy thử phần mềm, qua đó cho thấy một số thao tác vẫn chưa hoàn toàn được thực hiện bằng máy.

Ví dụ như khi có hai lệnh mua có khối lượng khác nhau cùng được nhập vào hệ thống để khớp với lệnh bán, và mỗi người sẽ được khớp một phần. Tuy nhiên, sau đó người mua muốn hủy lệnh thì đòi hỏi phải dò lại sổ lệnh xem khớp được bao nhiêu để quyết định hủy phần còn lại. Công ty này đang cố gắng hoàn chỉnh phần mềm để có thể tiến tới tự động hóa trong thời gian tới.

Chị Đỗ Thu Hà, Phó giám đốc chi nhánh Tp.HCM của Công ty Chứng khoán Quốc tế, cho biết công ty đã nâng cấp để sử dụng phiên bản mới nhất của phần mềm dùng cho việc khớp lệnh liên tục. Chị cũng cho biết sau thời gian thử nghiệm, mọi việc đều đã ổn định ngoại trừ việc các nhân viên của công ty còn chưa quen lắm với việc thao tác trên phiên bản mới.

Nếu gặp các tình huống mà phần mềm không thể tự động xử lý được, các công ty sẽ thực hiện thao tác bằng tay. Đối với trường hợp khi khối lượng lệnh đặt quá nhiều trong những lúc thị trường nóng lên, các công ty sẽ phải giải quyết theo hướng tăng cường thêm nhân lực.

Đa số các công ty chứng khoán đã xây dựng hệ thống thông báo kết quả giao dịch cho nhà đầu tư qua hai hình thức là cung cấp thông tin qua Internet và tin nhắn SMS. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Biển Việt (VSSC) cho biết khó khăn trong việc chuyển thông tin đến nhà đầu tư là điều mà công ty luôn lo lắng. Để giải quyết khó khăn này, công ty đã cố gắng đầu tư mạng lưới truy cập thông tin rộng, cộng với các phương tiện và hình thức chuyển tải thông tin nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu truy vấn kết quả giao dịch, truy vấn số dư... của nhà đầu tư.

Theo ông Lê Hải Trà, đối với các công ty đã cam kết nhưng không thực hiện tốt trong việc khớp lệnh liên tục, HoSTC sẽ xem xét lại tư cách thành viên của các công ty này qua đánh giá khả năng tham gia khớp lệnh theo phương thức mới.

Ông Trà cũng cho biết hiện trung tâm đang xem xét xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các công ty chứng khoán thành viên để trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét. Các quy định này chắc chắn sẽ cao hơn các quy định hiện tại đặc biệt là yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật.

Ông nói: “Trung tâm được nâng cấp thành sở; các công ty niêm yết phải đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ từ 80 tỉ đồng trở lên; vậy thì không có lý do gì các công ty chứng khoán thành viên lại không nâng cấp điều kiện hoạt động của mình lên. Tuy nhiên, cũng như công ty niêm yết, HoSTC sẽ có một lộ trình rõ ràng để các công ty chứng khoán thành viên đáp ứng được những yêu cầu mới.

Khớp lệnh liên tục là như thế nào?

Phương thức giao dịch khớp lệnh mới đối với cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư, bao gồm thực hiện đồng thời cả hai phương thức: khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục. Theo đó, thời gian giao dịch trong ba đợt khớp lệnh của mỗi phiên, đợt một từ 8 giờ 30 đến 9 giờ sẽ khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa; đợt hai từ 9 giờ đến 10 giờ sẽ khớp lệnh liên tục; đợt ba từ 10 giờ đến 10 giờ 30 sẽ trở lại khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa.

Có ba loại lệnh sẽ được áp dụng trong phương thức giao dịch khớp lệnh mới, đó là lệnh giới hạn (LO), lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC). Tạm thời, chưa áp dụng lệnh thị trường (MP).

Trong thời gian khớp lệnh định kỳ, nghiêm cấm việc hủy lệnh giao dịch được đặt trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ. Chỉ được phép hủy các lệnh gốc hoặc phần còn lại của lệnh gốc chưa được thực hiện trong lần khớp lệnh định kỳ hoặc liên tục trước đó.

Trong thời gian khớp lệnh liên tục, khi khách hàng yêu cầu hoặc khi thành viên nhập sai thông tin của lệnh gốc, đại diện giao dịch được phép sửa, hủy lệnh nếu lệnh hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện, kể cả các lệnh hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện ở lần khớp lệnh định kỳ hoặc liên tục trước đó.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, có quy định riêng về việc hủy lệnh.