09:23 31/07/2007

Khớp lệnh liên tục: Sẽ xem xét lại nếu vẫn trục trặc

Tú Uyên

Nếu có 1/4 các công ty chứng khoán thành viên bị trục trặc, phương thức khớp lệnh liên tục sẽ được xem xét lại

"Nếu có 1/4 các công ty chứng khoán thành viên không kết nối được với hệ thống, HoSTC sẽ xem xét lại phương thức khớp lệnh liên tục."
"Nếu có 1/4 các công ty chứng khoán thành viên không kết nối được với hệ thống, HoSTC sẽ xem xét lại phương thức khớp lệnh liên tục."
Sáng 30/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã chính thức thực hiện khớp lệnh liên tục.

Sau sự cố xảy ra với một số công ty chứng khoán khi thực hiện khớp lệnh liên tục trong sáng 30/7, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc HOSE khẳng định, nếu có 1/4 các công ty chứng khoán thành viên bị trục trặc, không kết nối được với hệ thống, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ xem xét lại việc có tiếp tục triển khai phương thức khớp lệnh liên tục hay không.

“Cần phải biết thông cảm cho họ, nếu họ không kết nối được với Sở Giao dịch Chứng khoán thì tư cách thành viên của họ sẽ không còn tác dụng, và họ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi”, ông Sinh nói.

Theo quy định, thời gian giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư từ 8h30 đến 11g. Trong đó, từ 8h30 đến 9h00: khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa, từ 9h00 đến 10h00: khớp lệnh liên tục, từ 10h00 đến 10h30: khớp lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa, từ 10h30 đến 11h00: giao dịch thỏa thuận, 11h00: đóng cửa thị trường.

Ông Lê Hải Trà, Phó giám đốc HOSE, cho biết việc khớp lệnh liên tục sẽ giúp cho các nhà đầu tư theo dõi, quan sát, đưa ra mức giá hợp lý và khả năng khớp lệnh sẽ cao mà các công ty chứng khoán sẽ không cần phải đưa ra thông tin về giá trần và giá sàn. Phương thức khớp lệnh liên tục sẽ đem đến khả năng thành công khớp lệnh sẽ cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, nhà đầu tư phải theo dõi, quan sát thường xuyên để đưa ra mức giá hợp lý không cần thông qua giá trần, giá sàn. Khớp lệnh liên tục có nhiều lợi ích, khả năng thành công cao, biểu giá diễn biến rất nhanh nếu không theo dõi kỹ thì sẽ không đưa ra được giá hợp lý.

Hiện tại, phương án dự phòng của HOSE thông qua hệ thống máy chủ gồm một máy chính và 2 máy dự phòng. Ngoài ra, HOSE đang phối hợp với các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài để kiểm soát tỉ lệ sở hữu dưới 49% cổ phiếu và xử lý các lệnh mua bán cổ phiếu đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều ý kiến cho rằng khi mà giữa Sở và các công ty chứng khoán thành viên chưa được đồng bộ về công nghệ thì sẽ gây không ít những trục trặc. Tuy nhiên, theo ông Trà, thời gian này không quan trọng, không cần đồng bộ, chỉ cần thời gian khi truyền dữ liệu từ Sở về cho các công ty chứng khoán thành viên.

Hiện nay, Sở Giao dịch Chứng khoán TpHCM có 49 công ty chứng khoán thành viên và 149 màn hình nhập lệnh với khả năng xử lý của hệ thống có thể 20.000-25.000 lệnh mỗi phiên giao dịch, tuỳ theo lưu lượng đường truyền, kể từ khi nhận được lệnh vào hệ thống, HOSE sẽ trả kết qủa về các công ty chứng khoán từ 2 đến 3 giây (cá biệt 5 đến 7 giây).

Riêng về việc kiểm soát tỷ lệ cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Trà cũng khẳng định rằng, hiện tại, Sở cùng với các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư tiến hành cân nhắc xây dựng thuật toán, các yếu tố hạn chế thông qua phần mềm giao dịch để đảm bảo các nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu tối đa là 49%, nhưng chưa công bố cụ thể về thời gian sử dụng phần mềm này.

“Chúng tôi sẽ tính toán xử lý lệnh mua bán của các nhà đầu tư để đảm bảo sự công bằng so với các nhà đầu tư trong nước”, ông Trà nói thêm.