15:12 24/05/2024

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An hướng đến phát triển bền vững

Ngô Anh Văn

Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO công nhận...

Khu trung tâm xã đảo Tân Hiệp-Cù Lao Chàm.
Khu trung tâm xã đảo Tân Hiệp-Cù Lao Chàm.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học vừa phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An vừa phục vụ phát triển kinh tế bền vững và nâng cao thu nhập đời sống người dân, tối ngày 23/5, UBND TP. Hội An đã tổ chức Chương trình kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009 – 26/5/2024).

NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận vào ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju (Hàn Quốc) bởi những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.

Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.

Theo nhận định của UNESCO, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.

Năm 2024 là năm đánh dấu cột mốc 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, danh hiệu Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới về những nỗ lực vượt bậc của thành phố Hội An nói chung và người dân xã đảo Cù Lao Chàm nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, Trưởng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khẳng định: "Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An ra đời năm 2009 đã đóng vai trò sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trong mối liên kết giữa rừng và biển, giữa đảo với đất liền, giữa lục địa với đại dương, đặc biệt giữa con người với thiên nhiên".

Ông Hùng cho rằng danh hiệu Khu sinh quyển đã thôi thúc chính quyền và người dân Hội An nỗ lực hết mình để bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật cả trên rừng, dưới biển và từng bước chuyển đổi sinh kế người dân xã đảo Cù Lao Chàm từ khai thác thủy sản bấp bênh sang dịch vụ du lịch sinh thái một cách bền vững, hiệu quả kinh tế cao…

KIÊN TRÌ PHƯƠNG CHÂM “NÓI KHÔNG VỚI RÁC THẢI NHỰA”

Bà Trần Thị Hồng Thúy, Phó trưởng ban Thường trực Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An, cho biết từ khi Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ra đời vào năm 2006 và đặc biệt là được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trên cả nước phát động chiến dịch “Nói không với túi ni lông”. Đến năm 2018, nơi đây tiếp tục là địa phương đi đầu trong việc triển khai cam kết cộng đồng “Nói không với ống hút nhựa”.

Kể từ đó đến nay, các chương trình truyền thông, giáo dục kết hợp với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự đồng thuận của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đã luôn được triển khai đều đặn trong suốt 15 năm qua.

Việc triển khai thực hiện thành công các chương trình, chiến dịch không sử dụng túi ni-lông, nhựa dùng một lần và tuần hoàn rác thải đã góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, làm cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới thu hút sự quan tâm của người dân trong nước và sự nhìn nhận thiện cảm của các tổ chức quốc tế, tạo nên sức hút du khách đến tham quan học tập, trở thành “điểm đến” phát triển du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm - Hội An.

Bà Thúy cũng cho biết từ thành công của phương châm “nói không với rác thải nhựa”, Cù Lao Chàm tiếp tục triển khai mô hình phục hồi san hô cứng từ năm 2018, là mô hình rạn nhân tạo được thiết lập tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Qua 5 năm triển khai, đã có 600 cấu trúc rạn nhân tạo đã được thiết lập tại 5 khu vực, trong đó 4 khu vực bao xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp, với hàng chục ngàn tập đoàn san hô được phục hồi. Mô hình này giúp tạo tính kết nối sinh thái giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô và thảm rong biển với khu vực rạn nhân tạo, góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ươm giống các loài sinh vật biển, thúc đẩy quá trình phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại vùng rạn san hô Cù Lao Chàm.

Hiện có 50 khối rạn được bố trí tại Bãi Xếp tạo thành phức hợp san hô - rong biển nhằm gia tăng khả năng tái tạo nguồn lợi hải sản. Đồng thời hỗ trợ cộng đồng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, giảm áp lực lên các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm…

TỪ XÃ NGHÈO VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU CỦA TỈNH VỀ MỨC THU NHẬP

Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (xã đảo Cù Lao Chàm), thành công rất lớn của danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới chính là bảo vệ môi trường. Trước những năm 2000, tại xã đảo này, rác thải khắp nơi, nhưng đến nay, Cù Lao Chàm đã và đang rất nổi tiếng là một xã đảo xinh đẹp, trong sạch, gắn liền với chương trình nói không với túi nilon, ống hút nhựa, chai nước nhựa, các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Không những thế, Cù Lao Chàm còn là một trong những khu vực đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kiểm soát rác thải trong khu dân cư, tại chợ, nơi công cộng và cả trên các tàu thuyền khai thác thủy sản của ngư dân.

Hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản như cua đá, tôm hùm và các nguồn lợi khác cũng được thực hiện một cách có kiểm soát; người dân đã nêu cao ý thức và nỗ lực bảo vệ các loài động thực vật quí hiếm trên đảo và vùng biển quanh vùng.

Hang yến ở Cù Lao Chàm.
Hang yến ở Cù Lao Chàm.

Với sự đồng thuận của người dân cùng sự vào cuộc đồng bộ đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền Hội An, kết quả mang lại đáng ghi nhận và rất khích lệ về công tác bảo vệ môi trường trong 15 năm qua của Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã tạo nên thương hiệu riêng có, là nền tảng để hướng tới một xã đảo không rác thải, một Khu sinh quyển không rác thải nhựa đang được cộng đồng giữ gìn bảo tồn bền vững.

Từ một xã đảo nghèo khó, thiếu thốn mọi mặt, tài nguyên trên rừng, dưới biển bị khai thác không kiểm soát, rác thải khắp nơi, mỗi năm xã phải tiếp nhận hàng cứu trợ vào những dịp cuối năm… Đến nay, sau 15 năm kể từ khi trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, xã đảo Cù Lao Chàm đã chuyển mình toàn diện, không những thoát nghèo thành công mà còn vươn lên dẫn đầu cả tỉnh về mức thu nhập; công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đạt được nhiều thành tựu, trở thành điển hình tỏa sáng trong hành trình của du khách thập phương.

 

Chương trình kỷ niệm 15 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (26/5/2009 – 26/5/2024) diễn ra trong 2 ngày từ 22-23/5, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú.

Đây là cơ hội để tôn vinh những kết quả đạt được và khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ suy giảm đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái; đồng thời nhằm lan tỏa tới cộng đồng những hành động cụ thể của người dân Cù Lao Chàm - Hội An, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050”.