13:08 28/08/2023

Khủng hoảng thừa rượu vang Pháp: Chính phủ chi tiền để nông dân huỷ rượu, phá nho

Điệp Vũ

Niềm đam mê đối rượu vang Pháp giảm sút thời gian gần đây đã khiến các trang trại sản xuất rượu vang ở nước này lâm vào tình trạng dư thừa rượu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Pháp vì thế đang lên kế hoạch chi 200 triệu Euro để nông dân huỷ rượu - tờ Financial Times cho hay.

Bộ Nông nghiệp Pháp đã nhận được sự phê chuẩn và hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) để chi trả khoản trợ cấp khủng hoảng ngành rượu vang này. Theo đó, số tiền trợ cấp nói trên sẽ chủ yếu được rót cho Bordeaux và Languedoc, hai vùng trồng nho và ủ rượu hàng đầu của Pháp. Trong kế hoạch được vạch ra, rượu vang dư thừa sẽ được chưng cất thành ethanol - loại cồn có thể được sử dụng cho các mục đích công nghiệp như sản xuất nước hoa hay gel hydroalcoholic.

Đây là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Pháp nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất rượu vang của nước này vốn đang phải chật vật ứng phó với sự suy giảm nhu cầu rượu vang của người tiêu dùng ở Pháp, cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng trên thị trường xuất khẩu, và doanh số suy giảm tại thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau hôm thứ Sáu vừa rồi đã có chuyến thăm tới một nhà máy chưng cất, nói rằng Chính phủ đang tìm cách “chặn đứng sự sụp đổ của giá rượu và giúp các nhà sản xuất rượu tìm nguồn thu mới”. Ông nói thêm rằng nông dân sản xuất rượu vang cần “thích nghi với những thay đổi trong tiêu dùng và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với nhu cầu trong tương lai”.

Ngành công nghiệp rượu vang Pháp ước tính lượng rượu dư thừa trong năm nay có thể lên tới 300 triệu lít, tương đương 7% sản lượng của toàn ngành trong năm ngoái là 4.200 triệu lít. Ngành này đã vận động để xin trợ cấp số tiền 240 triệu Euro nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng này.

Ngoài chương trình hỗ trợ biến rượu thành ethanol, Chính phủ Pháp còn có một chương trình khác bồi thường cho những nông trại rượu vang chấp nhận từ bỏ việc trồng nho để sản xuất rượu và thay vào đó chuyển sang trồng cây lấy gỗ hoặc bỏ hoang đất trồng. Khoảng 1.000 nông dân ở Bordeaux đã nộp hồ sơ xin trợ cấp theo chương trình này, với tổng diện tích đất trồng nho là 9.200 hectare, chiếm 8% tổng diện tích đất trồng nho của vùng.

Các kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp đang ở trong vụ thu hoạch nho và huy động hàng trăm nghìn lao động thời vụ cho việc hái nho trong khoảng thời gian 4-6 tuần. Lịch thu hoạch nho ở nước này trong những năm gần đây đã được đẩy lên sớm hơn vì nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu. Ở vùng Champagne, vụ thu hoạch đã diễn ra sớm hơn 3-4 tuần so với bình thường.

Triển vọng sản lượng nho năm nay ở Pháp có sự chênh lệch giữa các vùng, vì một số vùng như Languedoc-Roussillon bị ảnh hưởng bởi hạn hán, bên cạnh một số trang trại nho ở phía Tây Nam bị căn bệnh nấm mốc sương hoành hành do thời tiết luân phiên giữa mưa bão và nhiệt độ cao. Tuy nhiên, vùng Champagne được dự báo đạt năng suất tốt hơn, và tổng sản lượng nho của vùng này được dự báo ổn định so với năm ngoái.

Trong vòng 1 thập kỷ tính đến năm 2022, tiêu thụ rượu vang đỏ của Pháp giảm 32%, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar. Trong đó, mức giảm mạnh nhất diễn ra ở người tiêu dùng trẻ, nhóm có nhiều người ưa chuộng rượu mạnh và bia.

Nhu cầu rượu vang và champagne cao cấp trụ vững tốt hơn so với các loại vang và champagne giá rẻ, nên một số nhà sản xuất đã ứng phó bằng cách tiến lên phân khúc thị trường cao hơn. Rượu vang làm từ hoa hồng cũng đang trở nên phổ biến hơn, nên những thương hiệu lớn như LVMH và Pernod Ricard đã thâu tóm những cái tên như Whispering Angel và Sainte Marguerite en Provence.

Rượu vang và rượu mạnh nằm trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Pháp, mang về kim ngạch 17,2 tỷ Euro trong năm ngoái, tăng 10% so với năm 2021 – theo Liên đoàn Các nhà xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh Pháp.