20:52 25/06/2015

Khung pháp lý mới cho bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân

Yến Thanh

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương

Các đại biểu biểu quyết tại hội trường Quốc hội - Nguồn: Quochoi.vn.<br>
Các đại biểu biểu quyết tại hội trường Quốc hội - Nguồn: Quochoi.vn.<br>
Ngày 25/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.

Phiên biểu quyết có 452 vị đại biểu Quốc hội tham gia, bằng 91,5% so với tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 449, bằng 90,89%; số đại biểu Quốc hội không tán thành là 2, bằng 0,4% và số đại biểu Quốc hội không biểu quyết là 1, bằng 0,2%.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.

Về dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu (điều 7); dự kiến cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử (điều 8 và điều 9), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về số đại biểu Quốc hội được bầu tại thành phố Hà Nội vì hiện nay, sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của Hà Nội, thì dân số của thành phố Hà Nội và Tp.HCM không còn có sự chênh lệch quá lớn.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại nội dung này.

Bên cạnh nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng đại biểu Quốc hội (điều 8), có ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số lên thành 20 - 25%; nâng tỷ lệ người ứng cử đại biểu là nữ lên thành 38 - 40%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng hiện tại số đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội mới chỉ đạt 15,6%, số đại biểu là nữ mới đạt 24,4%. Do đó, quy định tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và là nữ như trong dự thảo luật là hợp lý.

Tuy nhiên, luật cũng chỉ quy định mức tỷ lệ tối thiểu cần đạt được. Tùy theo tình hình, yêu cầu của từng nhiệm kỳ, từng cuộc bầu cử mà tỷ lệ này có thể được xác định ở mức cao hơn. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử như đã thể hiện tại điều 8 của dự thảo luật.

Theo luật đã được thông qua, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người.