16:41 09/11/2010

Kích cầu 3G: “Chìa khóa” nằm ở nội dung số

Vy Nguyễn

Cước 3G giảm mạnh nhưng thuê bao 3G lại tăng chậm. Nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ cho tình trạng này là một nghịch lý

Số thuê bao 3G phát triển mới lại chưa đạt đúng kì vọng của nhà mạng.
Số thuê bao 3G phát triển mới lại chưa đạt đúng kì vọng của nhà mạng.
Để kích cầu 3G, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp hàng đầu là phải tăng cường các dịch vụ giá trị gia tăng, muốn thế phải thúc đẩy hợp tác nội dung số giữa nhà mạng với các nhà cung cấp nội dung (Content Provider - CP).

Nghịch lý giảm - tăng


Cước 3G giảm mạnh nhưng thuê bao 3G lại tăng chậm. Nếu nhìn từ bên ngoài, người ta dễ cho tình trạng này là một nghịch lý.

Đơn cử, bên cạnh việc giảm cước dịch vụ  thoại cho các thuê bao trả sau và trả trước từ mức 10%-15% trong đợt giảm cước gần đây, trong đó riêng cước hòa mạng mới thuê bao trả sau giảm đến 49,5% (từ 99.000 đồng/lần xuống còn 50.000 đồng/lần), MobiFone đã giảm mạnh cước dữ liệu 3G: Mobile Internet giảm 80% cước từ 50 đồng/10 Kb xuống còn 10 đồng/10 Kb; Fast Connect còn giảm mạnh hơn, từ mức 1.024 đồng/1 Mb xuống chỉ còn 65 đồng/1 Mb, giảm đến 94%.

Mức giảm “cực mạnh” này của MobiFone được cho là có sức ép cạnh tranh từ việc giảm giá của mạng Viettel ở các dịch vụ tương tự.  

Trên thực tế, trong hơn một năm qua từ khi 3G chính thức được cung cấp tại Việt Nam, cước của dịch vụ này đã giảm với tốc độ chóng mặt đến 94%, còn hơn cả tốc độ giảm cước cuộc gọi trong suốt hàng chục năm qua. Tuy nhiên, số thuê bao phát triển mới lại chưa đạt đúng kì vọng của nhà mạng. Theo thống kê, đến hết thời điểm tháng 10/2010 số thuê bao dịch vụ 3G của các mạng đạt khoảng 8 triệu, trong đó MobiFone đang dẫn đầu với hơn 4 triệu thuê bao.

Số lượng dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà  mạng hiện vẫn tăng đều, Vinaphone hiện có hơn 50 dịch vụ, MobiFone có hơn 60 dịch vụ. Dịch vụ giá trị gia tăng của Vinaphone năm 2009 chiếm 15% tổng doanh thu (không tính dịch vụ SMS) và dự kiến tăng lên 20% năm 2010. MobiFone ngay trong năm 2009 tỉ trọng này đã tăng mạnh lên 25% và theo thông tin đến thời điểm này đã tăng lên 30%.

Đa dạng hóa dịch vụ 3G  

Trong bối cảnh cước 3G giảm mạnh, dịch vụ 3G vẫn đứng trước “cánh cửa hẹp” để trở thành “món  ăn ưa thích” của khách hàng, khi dịch vụ nội dung của nó vẫn còn khá tẻ nhạt.   

Thực tế  hiện nay có đến vài trăm dịch vụ giá trị  gia tăng đang được cung cấp, nhưng theo đại diện một nhà mạng, đa phần là các dịch vụ này đều có thể chạy được trên nền 2G và 2,5G.

Ông Lê Trung Hậu - Giám đốc Marketing của Yahoo!Việt Nam - cho rằng hiện năng lực của các mạng 3G tại Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 5%. Có nghĩa là 95% còn đó, và khả năng rơi vào lãng phí rất lớn. Điều này cũng lí giải phần nào cước dữ liệu giảm mạnh và được khuyến mãi “khủng” dồn dập trong thời gian qua, cho thấy bản thân nhà mạng cũng muốn thúc đẩy khai thác tài nguyên nhiều hơn để có thể tận thu.

Các nhà mạng đang ráo riết xây dựng mạng lưới hợp tác với các CP. Đại diện MobiFone cho biết hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 150 CP trong cả nước. Đại diện một nhà mạng còn cho rằng: “Muốn đa dạng hóa các ứng dụng 3G thì xã hội phải đóng góp chứ nhà mạng không thể làm thay hoàn toàn. Chúng tôi chỉ có thể làm ở giai đoạn đầu mà thôi”.

Điều này hoàn toàn hợp lý. Nhưng thực tế trong hơn một năm qua, các ứng dụng 3G được đưa ra còn quá khiêm tốn, trong khi nhìn sang các kho ứng dụng của Google cho điện thoại chạy hệ điều hành Android, của Apple cho iPhone, iPad trong vòng 1-2 năm đã lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn ứng dụng khác nhau.  

Tiềm năng của nhu cầu sử dụng dịch vụ di động ở Việt Nam, đặc biệt là 3G vẫn còn rộng mở, cũng có nghĩa tiềm năng dành cho các nhà mạng phát triển còn khá lớn. Bên cạnh xu hướng tiếp tục giảm cước, sau mức 80-90% làm đòn bẩy, muốn thực sự kích cầu thì không thể lơ là việc phát triển các dịch vụ nội dung và ứng dụng hơn nước.