23:15 17/05/2021

Kích hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất

Các quận, huyện, thị xã cần sẵn sàng kích hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất, từ việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đến dập dịch với phương châm "4 tại chỗ" kịp thời, hiệu quả…

Cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều 17/5.
Cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều 17/5.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến diễn ra chiều 17/5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, cộng dồn từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội  ghi nhận 82 ca mắc ngoài cộng đồng tại 17 quận, huyện.

DỊCH VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP VÀ KHÓ LƯỜNG

Hiện, Hà Nội đã nâng mức độ phòng chống dịch lên cao nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm chống dịch "4 tại chỗ", "phong tỏa hẹp, quản lý chặt", "mô hình phòng chống dịch 3 lớp". Phát hiện kịp thời, thần tốc truy vết, tăng cường xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch triệt để, thực hiện tốt thông điệp "5K", làm chủ trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian sớm nhất.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, dịch Covid-19 diễn biến vẫn rất phức tạp và khó lường. Liên tục có những ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, có những ca di chuyển nhiều nơi trong thời gian dài, lây nhiễm rộng trong cộng đồng.

 

Về công tác khoanh vùng, phong tỏa, xử lý dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, hiện nay, toàn thành phố còn 38 điểm phong tỏa với 23.663 người. Việc phong tỏa được thực hiện một cách linh hoạt, phong tỏa rộng để xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ, sau đó thu hẹp quy mô phù hợp với tình hình thực tế nhưng kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa.

Trên địa bàn còn có 3 ổ dịch là các bệnh viện lớn như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Trung ương. Đặc biệt, tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều có những ngày cao điểm ghi nhận 16 ca mắc Covid-19. 

Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo các cấp thực hiện đúng Công điện, Chỉ thị Ủy ban nhân dân thành phố ban hành. Trong đó, nhấn mạnh đề nghị các cơ quan chính quyền đặc biệt là tổ "Giám sát và tuyên truyền Covid-19 tại cộng đồng" phối hợp với cơ quan công an lập danh sách những người có nguy cơ cao, đi từ khu vực có dịch theo thông báo của ngành y tế, những người cách ly tập trung, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, các tỉnh lân cận để phục truy vết khi cần thiết.

MỖI ĐỊA PHƯƠNG CẦN CHUẨN BỊ CHỖ CHO HƠN 1000 F1

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá, tình hình dịch diễn biến ngày một phức tạp, khó lường nhưng công tác phòng, chống dịch đã chủ động.

Cụ thể, thành phố đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo; các đơn vị, địa phương cũng thực hiện nhanh chóng việc khám sàng lọc ngẫu nhiên; nhanh chóng phối hợp cùng các tỉnh, thành phố có dịch bệnh trong việc thành lập danh sách những người có liên quan đến các ổ dịch để kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch; hỗ trợ các tỉnh bạn (tỉnh Bắc Giang) trong việc phòng, chống dịch. 

 

"Chúng ta luôn sẵn sàng ở thế tấn công trong việc kiểm soát, phòng, chống dịch để nhanh chóng có phương án bao vây, từng bước dập dịch trên toàn thành phố. Toàn lực lượng phải sẵn sàng các phương án để bảo đảm cho sự kiện bầu cử diễn ra sắp tới được thành công tốt đẹp".

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Từ đánh giá này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và truyền thông, trong đó cần tiếp tục quan tâm triển khai các nội dung liên quan đến phòng, chống dịch, các chỉ đạo, chỉ thị khẩn của thành phố; tuyên truyền các gương điển hình, sự chung sức, chung tay của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm những sai phạm trong phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động của tổ giám sát, tuyên truyền Covid-19 cộng đồng, trong đó lưu ý đến hoạt động tổ Covid-19 cộng đồng tại các khu chung cư; kiểm tra phòng, chống dịch tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh có dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Kiểm tra việc thực hiện của người dân tại các khu cách ly; siết chặt quản lý tại các khu công nghiệp, chế xuất, bệnh viện; việc bảo đảm an toàn tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống. "Trường hợp không chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch thì các địa phương, đơn vị có thể thực hiện biện pháp mạnh hơn là rút giấy phép kinh doanh", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu.

Về vấn đề cách ly tập trung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị phải tổ chức cách ly nghiêm túc, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng. Các địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn bị các địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội; tập huấn cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ cách ly. "Thành phố yêu cầu sẵn sàng phương án cách ly tập trung cho 30.000 trường hợp F1, như vậy mỗi địa phương cần phải chuẩn bị chỗ cho hơn 1.000 trường hợp F1", Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nói.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng đề nghị 30 quận, huyện, thị xã sẵn sàng kích hoạt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất, từ việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đến việc dập dịch với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) một cách kịp thời, hiệu quả.