07:39 18/01/2023

Kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Đào Hưng

Bên cạnh nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng đưa ra thêm nhiều nhiệm vụ khác, như: tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu áp lực lớn từ biến động khó lường của kinh tế thế giới và không ít bất ổn nội tại. Năm 2022 so với 2021, GDP tăng trưởng 8,2%, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, tuy nhiên GDP 2021 chỉ tăng 2,58%; CPI tăng 3,15% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2023, Chính phủ ưu tiên mục tiêu hồi phục kinh tế nhưng hoạt động điều hành tiếp tục chịu tác động của các yếu tố bất lợi về tỷ giá và lạm phát (do Fed vẫn đang trong lộ trình tăng lãi suất), lãi suất cao, giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc.

Kinh tế vĩ mô là những vấn đề bao trùm toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lạm phát, tình trạng thất nghiệp, tổng cung, tổng cầu, thương mại quốc tế… Ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế có độ mở lớn và thị trường như tại Việt Nam.

Bởi lẽ, nếu kinh tế vĩ mô có ổn định mới tạo điều kiện thuận lợi để duy trì trật tự, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và cuối cùng là giúp tăng trưởng kinh tế. Trái lại, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tạo nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô thông qua bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối hàng tiền, tiết kiệm đầu tư; thu chi ngân sách Nhà nước, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán, việc làm, thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội. Một thành công lớn trong năm 2022 của Chính phủ là giữ được các mục tiêu cơ bản của vĩ mô như kiểm soát lạm phát, tỷ giá ổn định trở lại sau vài tháng biến động mạnh, hệ thống ngân hàng giữ được thanh khoản.

ĐẠT VÀ VƯỢT 13/15 CHỈ TIÊU KINH TẾ VĨ MÔ

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, báo cáo của Chính phủ cho biết, cơ quan này phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức nhiều hơn, mới hơn, phức tạp hơn.

Tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt dự báo khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Trong đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như tình hình chính trị, xã hội ổn định, dịch bệnh được kiểm soát,… thì nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Điển hình như áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…

“Công việc thường xuyên ngày càng nặng nề hơn. Trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và những tồn tại, yếu kém đã tích tụ từ lâu. Đồng thời, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân”, báo cáo Chính phủ nhấn mạnh.

Kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 1

Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu có tới 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 1 chỉ tiêu không đạt. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP khoảng 8,02%, mức kỷ lục trong 12 năm và vượt chỉ tiêu đề ra. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 313 USD so với năm 2021; quy mô xuất nhập khẩu đạt hơn 730 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo 7,12 triệu tấn; trên 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%.

Ngoài ra, đời sống nhân dân được cải thiện; an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, tình hình đời sống của hộ dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03 phát hành ngày 16-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 2