09:58 03/07/2007

“Kinh doanh tri thức cần có đạo”

“Kinh doanh một nghề theo tôi là khá “sang trọng”, cũng phải hành xử sao cho phải đạo”, TS. Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ nói

"Với tôi, hay đúng hơn là với ngành của chúng tôi, tôi không quan niệm là có khái niệm đối thủ kinh doanh mà chỉ có đối tác và đồng nghiệp."
"Với tôi, hay đúng hơn là với ngành của chúng tôi, tôi không quan niệm là có khái niệm đối thủ kinh doanh mà chỉ có đối tác và đồng nghiệp."
“Kinh doanh một nghề theo tôi là khá “sang trọng”, cũng phải hành xử sao cho phải đạo”, TS. Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ nói.

Thị trường sách hiện nay đang bị áp lực rất mạnh bởi các công ty xuất bản trong và ngoài nước. Có bao giờ công việc xuất bản của bà gặp ngõ cụt và bà muốn chuyển sang hoạt động khác?

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh là môi trường xuất bản nhiễu nhương quá! Còn nhớ chỉ vài tháng khi tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ, thông tin đến với tôi là hầu như các đầu sách bán chạy của Nhà xuất bản đã và đang bị luộc từ nhiều nguồn, từ chất lượng thấp đến chất lượng cao khó phân biệt đâu là giả, đâu là thật.

Rồi thì việc xâm phạm bản quyền của nhiều đối tác kể cả các nhà xuất bản đồng nghiệp. Lên tiếng, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, phát hiện của bạn đọc, sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước...

Nhưng rồi đâu cũng vào đó! Đành phải tự cứu lấy mình thôi! Nhưng cũng chỉ là các giải pháp tạm thời, tình thế. Điều đáng buồn là hành động phạm pháp như trên đôi lúc được nguỵ biện bằng những lý lẽ đồng tình.

Thậm chí có lần trong một hội nghị tổng kết ngành, có đồng chí trách nhiệm của bộ còn nói với tôi rằng: “Này bà Nguyệt, làm gì mà bà la làng cả nước vậy! Nếu tôi là nhà tổ chức biểu diễn, trước suất diễn nếu thấy có phe vé là tôi vui vì vở diễn hay. Sách bà bị in lậu chứng tỏ sách bà hay, vui mới phải chứ!”.

Tôi không biết lời nói đùa hay thật?!?! Bó tay! Những điều này làm bào mòn mọi nỗ lực và sự hưng phấn tìm kiếm nhiều ý tưởng hay cho việc làm sách.

Vậy bà làm gì để thoát khỏi cái “bẫy tiền” mà thị trường đang giăng ra?

Trước đây, nguyên giám đốc Lê Hoàng cùng anh em chúng tôi nhận thức cần khẳng định vai trò chủ đạo của cơ quan xuất bản nhà nước với tư cách là công cụ giáo dục định hướng cho giới trẻ. Không thể ăn xổi theo kiểu chờ đợi và lệ thuộc vào nguồn bản thảo tư nhân mang đến mà phải khẳng định nguồn lực của mình bằng việc nỗ lực vươn tới tính chuyên nghiệp.

Đội ngũ biên tập viên buộc phải năng động từ việc nắm bắt nhu cầu bạn đọc, nghiên cứu thị trường, xây dựng ý tưởng đề tài, tổ chức đội ngũ cộng tác viên tác giả, dịch giả… Đội ngũ phát hành không chỉ dựa vào kênh phát hành quốc doanh của các nhà phân phối mạnh mà phải xông xáo mở mũi tạo dựng nhiều kênh, nhiều đối tác, đại lý trao đổi bán buôn.

Do vậy mà trong lúc nhiều nhà xuất bản tiếp tục được nuôi dưỡng bằng bầu sữa bao cấp hoặc lệ thuộc vào kế hoạch liên kết với tư nhân, Nhà xuất bản Trẻ đã tự khẳng định con đường từng bước chuyên nghiệp hoá dưới mô hình doanh nghiệp xuất bản của Đoàn, độc lập về tài chính.

Bà quan niệm như thế nào về các đối thủ cạnh tranh?

Với tôi, hay đúng hơn là với ngành của chúng tôi, tôi không quan niệm là có khái niệm đối thủ kinh doanh mà chỉ có đối tác và đồng nghiệp. Sự cạnh tranh trong cùng sản phẩm, thị trường sẽ thú vị hơn nhiều. Nhất là khi đối tác hoặc đồng nghiệp giỏi nghề, cung cấp cho xã hội nhiều đầu sách hay, đẹp, chất lượng, giá cả cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh vừa là thách thức vừa là động lực để thúc đẩy nhau cùng phát triển và nâng tầm chuyên nghiệp của những người cùng ngành nghề.

Chỉ ngại, không bằng con đường “chính đạo” mà bằng “tà đạo”, động cơ và hành xử trong cạnh tranh không lành mạnh sẽ huỷ diệt mọi sáng tạo và năng lực đóng góp cho nghề, cho ngành và cho xã hội.